Trình bày tờ trình luật Doanh nghiệp sửa đổi tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 16.10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong dự thảo lần này, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 2 điều trong luật Doanh nghiệp 2014.
Cụ thể, theo ông Dũng, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 2 thủ tục không cần thiết, gồm thủ tục thông báo mẫu dấu (điều 44) và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (điều 12).
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo đó, người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Lâu nay đã ký là phải ấn
Trao đổi ý kiến tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn với đề xuất này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đề xuất bỏ con dấu trong doanh nghiệp được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cổ súy rất mạnh mẽ từ lần sửa đổi luật trước đây, nhưng khi đưa ra Quốc hội thì “người ta không chịu”.
Theo ông Giàu, truyền thống lâu nay là đã ký là phải ấn, bây giờ ký mà không có ấn thì phải cân nhắc. “Cái này không cảm tính được đâu, tất cả phải có sự đánh giá, chính xác”, ông Giàu nói.
Cùng quan điểm, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cũng đề nghị cân nhắc xem đã nên bỏ con dấu trong doanh nghiệp hay chưa, vì trong bộ luật Hình sự hiện nay đang quy định về tội danh làm giả con dấu.
“Tất nhiên, nếu bỏ quy định con dấu thì bộ luật Hình sự sẽ không xử tội này, nhưng chính sách hiện nay của chúng ta là vẫn còn tội này. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc xem liệu nên bỏ con dấu chưa?”, bà Nga bày tỏ...
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nếu bỏ 2 thủ tục này thì có giảm bớt thủ tục hành chính, song cần đánh giá thận trọng việc bỏ con dấu doanh nghiệp trong điều kiện thực tế hiện nay, nhất là môi trường kinh doanh ở nước ta.
Theo bà Ngân, việc chỉ cần 1 chữ ký mà không có con dấu thì khó đảm bảo độ an toàn, sự tin cậy với những giao ước, những hợp đồng kinh tế, đồng thời có thể phát sinh thủ tục phức tạp hơn nếu xảy ra tranh chấp. “Đề nghị phải đánh giá tác động kỹ. Tôi biết trên thế giới hiện nay cũng có nhiều hoạt động và người ta không sử dụng con dấu, nhưng điều kiện người ta khác, chúng ta khác”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào luật Doanh nghiệp
Một đề xuất khác trong dự thảo luật cũng nhận được nhiều ý kiến tại phiên họp là bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật Doanh nghiệp. Hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ, vì điều này có thể tác động tới gần 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay với hàng chục triệu lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay hộ kinh doanh đang được quy định tại nghị định của Chính phủ mà không có vướng mắc thì không cần phải đưa vào luật. “Chính phủ đề nghị bổ sung hộ kinh doanh vào luật với lý do đảm bảo điều kiện pháp lý thì tôi cho rằng cần cân nhắc, vì luật là luật Doanh nghiệp, phạm vi điều chỉnh doanh nghiệp nay lại đưa hộ kinh doanh vào”, bà Nga nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị nếu cần thì có thể bổ sung, sửa đổi nghị định để tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển, chứ không cần phải đưa vào luật.
Đồng tình các ý kiến trên, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị phải đánh giá tác động kỹ vì "nếu hôm nay quyết cái này thì ngày mai sẽ ầm ầm lên ngay". Hơn nữa, theo ông Phúc, "tại sao không làm luật riêng để quy định cho hộ kinh doanh, nếu cần?".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng đây là một đề xuất chính sách lớn nhưng lại chưa có sự đánh giá tác động một cách đầy đủ. “Quan điểm là cái nào rõ, chín và đánh tác tác động được thì chúng ta bổ sung, chứ không nên đặt ra những vấn đề chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng”, bà Ngân nhấn mạnh.
Bình luận (0)