Chủ tịch Quốc hội: Chính sách dừng đột ngột, doanh nghiệp họ kêu lắm!

24/10/2018 14:06 GMT+7

Thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội tại tổ sáng nay, 24.10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý khi đưa ra quyết sách cần tránh dừng đột ngột, gây khó khăn, thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24.10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục mổ xẻ chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh đầu tư, những vụ việc dư luận bức xúc trong thời gian vừa qua. Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (đoàn Bắc Giang) nêu lại vụ xâm hại tình dục xảy ra tại Thái Bình, vụ cả nhà tự tử tại Nghệ An hay vụ vứt trẻ sơ sinh từ tầng 31 ở Hà Nội. “Những vụ án đó đi ngược lại văn hoá, thuần phong mỹ tục của chúng ta, khiến dư luận rất hoang mang. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập vấn đề kinh tế  mà chưa quan tâm sâu sắc đến vấn đề văn hoá, xã hội”, đại biểu Hồng phản ánh. 

 

Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, vị đại biểu đoàn Bắc Giang đánh giá cao nỗ lực, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, song ở một số nơi, một số địa phương chậm thực hiện, thậm chí còn tăng biên chế. Trong khi đó, báo cáo của Chính phú có chỉ ra vượt định mức 20.000 biên chế, nhưng lại chưa chỉ cụ thể chỗ nào tăng, trách nhiệm thuộc về ai, đại biểu Hồng đặt vấn đề.

 

Nhiều thủ tục lặt vặt, gây khó cho doanh nghiệp

 

Chia sẻ quan điểm này, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, ở một số nơi cũng đã làm rất quyết liệt, có kết quả. Đơn cử như Bộ Công an cắt giảm, sáp nhập các tổng cục; Bộ Tài chính sáp nhập, gom gọn lại các chi cục thuế, kho bạc. “Dẫu vậy, chúng ta sẽ phải làm quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

 

Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm 2018 và trong 3 năm qua “điểm sáng” nhất là tốc độ tăng trưởng GDP đạt cao, năm sau cao hơn năm trước; lạm phát được kiểm soát ở dưới mức 4%, theo chỉ tiêu của Quốc hội. Bên cạnh đó, các cân đối lớn được bảo đảm, đặc biệt chính sách tiền tệ điều hành khá tốt và lĩnh vực đối ngoại tạo được uy tín, vị thế của Việt Nam. “Bạn bè quốc tế, các tổ chức lớn trên thế giới đều đánh giá cao về Việt Nam. Đi đâu chúng ta cũng ngẩng cao đầu với vai trò chủ động, tích cực ở chính những tổ chức mà chúng ta làm thành viên”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu. 

 

Phân tích về những điểm còn hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý về chất lượng tăng trưởng, cần phải làm rõ hơn GDP tăng thì so với khu vực đang đứng ở đâu, xếp thứ hạng nào và chất lượng đời sống của người dân tăng lên ra sao. Trong đầu tư công, theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều dự án lớn còn bị chậm tiến độ, điển hình là 2 dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam. Nghị quyết Quốc hội đã ban hành mà 8 tháng vẫn chưa giao được vốn để tiến hành thủ tục đấu thầu, trong khi Bộ trưởng Giao thông vận tải hứa đến 2021 phải thông tuyến. 

 

Đánh giá cao những cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ở “nơi này, nơi khác, chỗ này, chỗ kia” công tác chỉ đạo còn rất chậm, nhiều thủ tục lặt vặt gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng chính sách ban hành đột ngột dẫn tới hậu quả, thiệt hại cho các nhà đầu tư. 

 

“Chúng ta tạm dừng việc lấy đất công để thanh toán cho các dự án BT, nhưng trước đó doanh nghiệp họ làm với nhà nước, thủ tục và hợp đồng đàng hoàng, tự nhiên dừng một cái gây khó khăn. Chúng ta đưa ra một quyết sách nhưng cần phải tính tới việc giải quyết hậu quả, chứ không người ta kêu lắm. Có dự án 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm thủ tục đầu tư đầy đủ rồi nhưng không làm được, bao công sức họ bỏ ra. Trách nhiệm của cơ quan ban hành thủ tục hành chính ở đâu phải rà soát lại. Đầu tư mới rất hoan nghênh, nhưng dự án mà họ đang đầu tư gặp khó khăn thì phải giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.