Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm toán việc sử dụng ngân sách phòng, chống dịch Covid-19

14/09/2021 14:13 GMT+7

Kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 là một nội dung Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thêm vào kế hoạch kiểm toán ngân sách trong năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Đặt củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu

Sáng 14.9, tại phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về trọng tâm của công tác Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của năm 2022 vẫn phải “đặt tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu”.
Ông Huệ dẫn chứng hàng loạt các vấn đề như việc đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo an toàn bền vững nợ công, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ mức tín dụng liên quan đến việc cho vay chứng khoán, bất động sản hay tiêu dùng.
“Có hay không việc sử dụng tín dụng tiêu dùng cho mục đích kinh doanh chứng khoán, bất động sản?”, ông Huệ nêu và cho biết, việc nóng lên của 2 thị trường này cũng cần phải làm kỹ.
Về nợ xấu, ông Huệ cho biết đang có xu hướng tăng lên do khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp do tình hình Covid-19 rồi các khoản nợ xấu cho vay dự án BOT, nhất là QL1A.
“Xác định chính xác nợ xấu là bao nhiêu, nợ xấu nhưng chưa chuyển nhóm nợ là bao nhiêu. Xác định rõ nợ Chính phủ, nợ địa phương, nợ nước ngoài...”, ông Huệ lưu ý.
Một nội dung “trọng tâm” Chủ tịch Quốc hội lưu ý là việc sử dụng nguồn quỹ dành cho cải cách tiền lương để cho đầu tư xây dựng cơ bản trong khi nguồn sử dụng cho cải cách tiền lương chưa đảm bảo.
“Thẩm quyền, trách nhiệm thế nào? Phải làm rõ ra. Các đồng chí nói còn đủ nguồn để cải cách tiền lương, nhưng ai chịu trách nhiệm về câu còn đủ nguồn ấy? Các đồng chí phải làm rõ cái này ra trong mục tiêu kiểm toán”, ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà theo ông là “vấn đề rất nóng”.
“Bộ Tài chính liên tục cảnh báo về trái phiếu doanh nghiệp. Sau này trong từng cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán tổng ngân sách, các đồng chí phải tập trung thêm vào”, ông Huệ yêu cầu.

Bản tin Covid-19 ngày 14.9: Cả nước 10.508 ca nhiễm | Biểu đồ ca nhiễm ở TP.HCM vẫn theo đường ngang

Một xét nghiệm PCR mất nhiều tiền hơn vắc xin rất nhiều

Đối với nội dung kiểm toán ngân sách nhà nước 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
“Mục đích sử dụng và hiệu quả thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mà cái này có thể phải trường kỳ kháng chiến chứ không phải ngày một, ngày hai. Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”, ông Huệ phân tích.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội chúng ta huy động.
Ông Huệ lưu ý phải tính toán để xác định nội dung này là một trong những mục tiêu của kiểm toán trong năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong năm 2022, Kiểm toán cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không?
“Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng? Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách của chúng ta rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn, cần làm rõ để chúng ta còn rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra”, ông Huệ nêu.
Liên quan công tác đầu tư, ông Huệ đề nghị cũng cần chú trọng vào công tác chuẩn bị đầu tư và phân bổ, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cả ở T.Ư lẫn địa phương.
“Theo số liệu sơ bộ, khả năng 2021 còn 80.000 tỉ vốn đầu tư không tiêu được, tức là chưa có đối tượng phân bổ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới vừa rồi thông qua vẫn còn 70, 80 dự án lớn chưa có chuẩn bị đầu tư”, ông Huệ cho hay và nhận định, đây là khuyết điểm, phải tập trung vào đánh giá cái này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các dự án đang dở dang, có yếu tố nước ngoài thì không nên kiểm toán mà nên để cho xong rồi kiểm toán một thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.