Ưu tiên nhân lực chất lượng cao vào lực lượng biên phòng
Tờ trình về dự án luật Biên phòng Việt Nam của Chính phủ do thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25.3, cho biết luật Bộ đội Biên phòng được nâng lên từ Pháp lệnh Bộ đội biên phòng 1997 với những điều chỉnh mở rộng để phù hợp với yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Theo đó, dự thảo luật được xây dựng trên 3 chính sách lớn, gồm: xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của bộ độ biên phòng; chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Liên quan tới bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, dự thảo luật quy định, nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng và chính sách đặc thù công tác, địa bàn hoạt động ở khu vực biên giới theo quy định pháp luật; ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao, cư dân biên giới vào lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng an ninh do thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban, trình bày cho biết nhiều ý kiến tại phiên họp thẩm tra đề nghị rà soát lại chương về chế độ chính sách đối với biên phòng để tránh chồng chéo với các quy định khác của pháp luật có liên quan, tránh làm tăng ngân sách
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu rõ hơn về chế độ, chính sách đối với Bộ đội biên phòng như lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
"Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu để quy định đầy đủ các chế độ, chính sách về biên phòng, bảo đảm tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng này", ông Việt cho hay.
Quy định rõ hơn về chính sách đối với bộ đội biên phòng
Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về chế độ chính sách đối với lực lượng bộ đội biên phòng.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, lực lượng bộ đội biên phòng là nòng cốt trong bảo vệ biên giới, do đó, chính sách đối với lực lượng này cần được quy định rõ trong luật.
"Chế độ tuổi tác, thời gian công tác rồi đất ở thế nào. Chúng ta nói đồn là nhà thì phải giải quyết đất ở, đất sản xuất, canh tác cho anh em ra sao? Đây là trách nhiệm phối hợp của các địa phương", bà Phóng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng kiến nghị cần tăng cường đầu tư lực lượng và chính sách cho lực lượng bộ đội biên phòng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị tổng kết kỹ quá trình thực hiện Pháp lệnh Bộ đội biên phòng để đưa vào luật. "Cái nào hợp lý, còn giá trị thì kế thừa. Những gì liên quan tới chính sách đặc thù mà luật Quốc phòng, luật Sĩ quan quân đội chưa có thì chúng ta đưa vào. Nếu có rồi thì không nên đưa vào vì như vậy không đúng quy định", ông Lưu nói.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, lực lượng bộ đội biên phòng rất quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Bội đội biên phòng không chỉ bảo vệ biên giới mà còn làm nhiều nhiệm vụ khác từ giáo dục, y tế cho tới tăng cường cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Họ sống cùng dân, giúp đỡ dân nên chúng ta vẫn gọi là bác sĩ quân hàm xanh, thầy giáo quân hàm xanh", bà Ngân nói và cho rằng, chính sách của nhà nước đối với lực lượng này cũng phải thể hiện rõ quan điểm đối với những người sống xa nhà, ở nơi biên cương Tổ quốc.
"Ngay trong mùa dịch Covid-19 này, lực lượng bộ đội biên phòng cũng vất vả lắm, phải ngủ lán trại, đường mòn, lối mở. Người ta nói đồn là nhà nhưng anh em có sống trong đồn đâu", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận (0)