Chủ tịch Quốc hội: 'Giá thịt lợn tăng cao thì các đồng chí bình ổn cách gì?'

19/09/2022 22:02 GMT+7

Chính phủ đề nghị giao Chính phủ tự điều chỉnh Danh mục hàng hóa nhà nước định giá và bình ổn giá mà không cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay, song nhiều ý kiến không đồng tình.

Thiếu linh hoạt, không theo kịp thị trường

Ngày 19.9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Giá sửa đổi.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp

gia hân

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Chính phủ đề nghị sửa luật Giá theo hướng giao Chính phủ tự điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá và bình ổn giá mà không cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện hành để đảm bảo tính linh hoạt.

Đánh giá tác động đối với đề xuất này, báo cáo Chính phủ gửi trong hồ sơ dự án luật cho rằng, việc quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ định giá “không đảm bảo tính kịp thời, tiến độ cấp thiết đề ra của việc triển khai biện pháp quản lý nhà nước trong các bối cảnh cấp bách”.

Báo cáo dẫn ví dụ sách giáo khoa, cho rằng, khi triển khai theo quy trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung vào danh mục định giá thì phải có đủ thời gian, nhưng không phải trường hợp nào cũng được xem xét ngay.

“Đối với sách giáo khoa thì Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu sửa luật để thực hiện; vì vậy tính kịp thời là không đáp ứng được”, báo cáo nêu rõ và cho rằng, điều này thể hiện tính “cứng” của danh mục định giá.

Từ đó, Chính phủ cho rằng, việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh là chưa phù hợp với công tác quản lý giá. Trong khi đó, Chính phủ được giao thống nhất quản lý về kinh tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nhà nước và xã hội, thực hiện điều hành giải pháp cụ thể song thực tiễn lại thiếu linh hoạt trong hoạt động này.

Tương tự, đối với danh mục bình ổn giá, báo cáo của Chính phủ cũng cho rằng, việc điều chỉnh danh mục còn phức tạp, khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần triển khai ngay. Theo báo cáo, đây là lý do khiến 8 năm thực hiện luật Giá song chính sách bình ổn giá vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Dẫn ví dụ giá thịt lợn thời gian qua, báo cáo của Chính phủ cho rằng, khi có phát sinh mặt hàng có biến động lớn, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và kinh tế xã hội, cần phải có biện pháp bình ổn giá nhưng không thực hiện được vì không nằm trong danh mục.

Từ đó, Chính phủ cho rằng, việc giao quyền quyết định điều chỉnh danh mục cụ thể cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc quy định điều kiện để đưa mặt hàng nào đó vào thực hiện bình ổn giá vẫn còn thiếu sự linh hoạt, không kịp thời theo diễn biến của thị trường.

Thường vụ Quốc hội có thể họp bất thường quyết định

Tuy nhiên, cả cơ quan thẩm tra lẫn các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất nói trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

gia hân

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ nguyên luật hiện hành vì danh mục hàng hóa nhà nước định giá liên quan đến tính ổn định đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Do vậy cần được quy định công khai, ổn định trong luật.

Tương tự, đối với danh mục bình ổn giá, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị giữ như hiện hành vì cho rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường, cần được quy định ổn định.

Đối với lý do về tính linh hoạt mà báo cáo của Chính phủ nêu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp mỗi tháng và có thể họp bất thường để kịp thời quyết định việc điều chỉnh.

Đồng tình với ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị đánh giá rà soát kỹ, lập luận đầy đủ xem có vấn đề gì bất cập với quy định hiện hành là Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các danh mục nói trên.

Ông Tùng cho rằng, lý lẽ và phân tích ở báo cáo tác động là “chưa thuyết phục”.

“Đây là những biện pháp can thiệp vào thị trường và thực sự chỉ nên thực hiện trong những trường hợp hết sức hạn chế và hết sức cần thiết và nên đánh giá hết sức thận trọng. Nếu chúng ta quy định không chặt, dễ dẫn đến tình trạng vi phạm nguyên tắc thị trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như là đời sống sinh hoạt người dân”, ông Tùng phân tích.

"Không phù hợp một chút nào cả"

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, việc phân cấp, thẩm quyền chưa được đánh giá thấu đáo và đề nghị cần phải rà soát lại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

Lấy ví dụ sách giáo khoa mà báo cáo Chính phủ dẫn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nói như vậy là “không sát thực tiễn”.

“Nếu Chính phủ trình sang thì chậm nhất là 3 ngày là Thường vụ Quốc hội có thể xử lý được. Các đồng chí đã trình đâu mà bảo rằng Thường vụ Quốc hội không quyết định việc đưa sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, gây khó khăn cho việc điều hành”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng “động chạm” hàng chục triệu người, không thể tùy tiện không thể do một cá nhân hay tổ chức cụ thể quyết định, mà phải có luật quy định.

Tương tự, với mặt hàng thịt lợn, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, “càng không phù hợp một chút nào cả” khi được dẫn ra để lý giải cho bất cập việc điều chỉnh danh mục bình ổn giá.

“Nếu bây giờ giá thịt lợn tăng lên thì các đồng chí áp dụng bình ổn giá cách gì? Có cấm các nhà đầu tư kinh doanh là chỉ được quy định giá thấp hơn thế này, hay vẫn phải quay trở lại điều hòa cung cầu, giải tỏa vấn đề "ngăn sông cấm chợ" hay vấn đề minh bạch giá đầu vào... Thì giải pháp vẫn là vậy thôi. Cho nên, mấy ví dụ các đồng chí nói trong này là không phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị cần phải đánh giá bất cập ở đây là do luật hay do tổ chức thực hiện.

“Các đồng chí lại xới tung hết, tôi cho là không phù hợp. Cá nhân tôi rất băn khoăn chỗ này, không thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh: chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nghĩa là nhà nước quản lý để đảm bảo đúng với thị trường và can thiệp ở những thời điểm nhất định, chứ không thể tùy tiện.

“Tôi thấy đánh giá tác động của luật Giá này là chưa kỹ. Không biết có khó khăn gì trong quá trình xây dựng không hay Cục Quản lý giá bây giờ đang thế thì chất lượng xây dựng luật bị ảnh hưởng? Tôi hỏi thẳng, cán bộ phụ trách việc này có bị ảnh hưởng không? Và từ đánh giá luật Giá như thế này để đưa ra những chính sách để sửa đổi tôi cho là không phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Cách hết chức vụ Cục trưởng Quản lý giá liên quan kit test Covid-19
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.