Sáng 14.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 31, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý luật Thủ đô sửa đổi. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 6 cuối năm ngoái, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 7 tháng 5 tới.
"Cứ xin ý kiến bộ nọ, ngành kia, lắc cái là chịu chết"
Nêu ý kiến góp ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn với các quy định về phân cấp, phân quyền cho TP.Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô, đặc biệt là thu hút, huy động nguồn lực.
"Nhiều người nước ngoài nói Hà Nội tuyệt vời, chỉ có không khí tệ quá. Luật Thủ đô sửa đổi ban hành liệu có giải quyết được vấn đề chất lượng không khí của thủ đô không?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hai vấn đề lớn nhất của Hà Nội hiện nay là tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí. Thủ đô cần được phân cấp, phân quyền nhiều hơn để có thể linh động xử lý vấn đề này.
Dẫn chứng vấn đề tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy, Chủ tịch Quốc hội nói, Hà Nội phải có quy định cao hơn vì nếu không có quy định về tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy thì giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội đang có đề án lộ trình hạn chế phương tiện giao thông nhưng chỉ mới nói tới vấn đề phí, trong khi có nhiều chính sách khác. Ông dẫn ví dụ thế giới đi từ bên ngoài vào nội đô mà xe ô tô chỉ chở 1 người không cho vào, ít nhất 2 người trở lên mới cho vào.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các chính sách trong luật Thủ đô chưa được quan tâm, cụ thể để giải quyết các bài toán về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí.
Hay vấn đề úng ngập, rác thải cũng liên quan tới môi trường, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là các vấn đề liên ngành. Tuy nhiên, ông đề xuất: "Trên địa bàn thì có thể giao cho Hà Nội quyết và chịu trách nhiệm được không? Chứ cứ xin ý kiến bộ nọ, ngành kia, lắc cái là chịu chết".
Ông dẫn chứng, các nhà máy đốt rác ở nhiều địa phương hiện nay có quy hoạch rác thải nhưng phát điện lại chưa có trong quy hoạch điện. "Điều này làm anh em vất vả lắm, địa phương nào cũng bị", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Dẫn chứng Nhà máy đốt rác ở Sóc Sơn công suất 4.500 tấn rác/ngày, phát được 100 KWh điện, nhưng cũng gặp vướng mắc nói trên.
"Khóa trước tôi với các đồng chí phải mời Bộ Công thương đi giải quyết từng dự án một, rất vất vả. Trong khi các địa phương chưa gỡ được, thì có luật thủ đô cho phép gỡ cái này. Ví dụ như có điều kiện đấu nối rồi, mà bản thân quy mô công suất không đáng kể thì giao thẩm quyền cho TP.Hà Nội", Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi luật Thủ đô lần này là cơ hội để Hà Nội xử lý các vấn đề nói trên, tạo cơ hội để thủ đô phát triển.
"Thủ đô muốn phát triển mà giao thông cứ tắc nghẽn, không khí ô nhiễm. Nhiều người nước ngoài thích ở Hà Nội nhưng không khí ô nhiễm quá. Trên truyền hình đưa tin hiếm khi không khí tốt, mức khá, trung bình là thấy mừng rồi. Quyền hạn thủ đô giải quyết vấn đề này thế nào", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cần giao thẩm quyền cho Hà Nội quyết
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, các vấn đề định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kể cả phí trên tất cả các lĩnh vực trên địa bàn cần giao thẩm quyền cho Hà Nội quyết.
"Hiện nay tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện nay đang rất thiếu, làm không được, định mức, đơn giá cũng thế. Xây dựng các công trình tiêu biểu của TP.Hà Nội mà theo đơn giá bình thường thì không làm được. Ngay trạm sạc điện cho xe ô tô cũng không có tiêu chuẩn, quy định nào cả. Mỗi xe là tiêu chuẩn khác nhau, không sử dụng chung được, vô cùng lãng phí", ông Dũng nói.
Luật Thủ đô sửa đổi đề xuất giao thêm nhiều quyền cho TP.Hà Nội như điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Thành phố cũng được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn.
Ngoài ra, TP.Hà Nội được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách T.Ư, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỉ đồng.
Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND TP.Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành...
Bình luận (0)