Chủ tịch Quốc hội: 'Hà Nội xin tăng 30 đại biểu HĐND nhưng giảm 6.000 biên chế'

10/11/2023 18:02 GMT+7

Hà Nội xin tăng số đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 nhưng bỏ HĐND cấp phường, giảm được tới 6.000 biên chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho là hợp lý, mong đại biểu ủng hộ.

Chiều 10.11, sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Thủ đô sửa đổi. Nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, luật Thủ đô sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến tận giữa thế kỷ này; thúc đẩy, tạo động lực phát triển cho cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Với tư cách nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cho biết, đảng bộ, chính quyền nhân dân thủ đô đầu tư rất lớn cho luật này, khởi động từ rất sớm. Do đó, như nhiều đại biểu nhận định, luật này mới trình ra Quốc hội lần đầu nhưng chất lượng khá tốt, khắc phục chuyện luật khung, luật ống của luật Thủ đô 2012.

Chủ tịch Quốc hội: 'Hà Nội xin tăng 30 đại biểu HĐND nhưng giảm 6.000 biên chế' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ chiều 10.11

PHẠM THẮNG

"Luật Thủ đô 2012 cũng có tác động nhưng không nhiều. Dự thảo luật mới tăng 3 chương, 27 điều. Như vậy, quy định lần này mang tính chất quy phạm rất rõ để áp dụng khả thi chứ không luật khung, ống nữa", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, dự án luật Thủ đô sửa đổi lần này thực chất là đạo luật về cơ chế đặc thù cho Hà Nội, cũng là đạo luật phân cấp, phân quyền, giao quyền cho TP.Hà Nội.

"Tôi cho là cũng hợp lý"

Dự thảo luật đề xuất cho Hà Nội thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội; đồng thời tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố (TP) từ 95 như hiện nay lên 125 người.

Nói thêm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện có 3 địa phương thí điểm mô hình chính quyền đô thị là Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, khác với TP.HCM, Đà Nẵng bỏ HĐND cả ở cấp quận và phường, Hà Nội đang thí điểm bỏ mô HĐND ở phường (ở đô thị) còn ở chính quyền nông thôn và ở cấp huyện thì vẫn giữ nguyên, có cả UBND và HĐND.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi bỏ HĐND cấp huyện khiến cấp quận, huyện không còn là 1 cấp ngân sách, chỉ còn là đơn vị dự toán, không còn dự phòng ngân sách và mọi việc dồn vào cấp chính quyền TP cũng là một bất cập. Do đó, ông cho biết, việc Hà Nội chỉ bỏ HĐND phường, vẫn giữ chính quyền nông thôn và cấp huyện "thì có vẻ phù hợp hơn".

"Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đồng ý với Hà Nội cho phép áp dụng mô hình tổ chức này. Tới nay khi tổng kết thì luật hóa. Tôi nghĩ là tương đối chín đấy", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 người, Chủ tịch Quốc hội nói nghiên cứu rất kỹ thì thấy "hoàn toàn phù hợp".

"Khi bỏ HĐND cấp phường thì giảm được tới 6.000 người, nay chỉ tăng cho cấp TP mấy chục người. Từ 95 người lên 125 người chỉ tăng 30 người, trong khi đó giảm mấy nghìn biên chế chỗ này. Tôi cho là cũng hợp lý thôi. Báo cáo đại biểu ủng hộ cho", Chủ tịch Quốc hội nói.

Còn nhiều hạn chế

Về vấn đề này, góp ý tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, đồng tình với đề xuất tăng từ 95 lên 125 đại biểu HĐND TP; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%. 

"Đây được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND", đại biểu Yên nói, đồng thời cho biết, điều này cũng hợp lý khi Hà Nội có quy mô dân số đông thứ 2 cả nước.

Tuy nhiên, đại biểu Yên cho rằng, với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số thì các hình thức, phương pháp, công cụ đại diện cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc thí điểm chính quyền đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như cơ cấu tổ chức phường không bao gồm trưởng công an phường vì không phải là công chức theo luật cán bộ công chức.

Cạnh đó, cũng chưa xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu với chức danh chủ tịch UBND phường khi đc trao quyền là người đứng đầu cơ quan hành chính phường, trong điều kiện không còn tổ chức HĐND phường. Hay việc hạn chế bình quân 15 biên chế mỗi phường không đáp ứng nhu cầu, nhất là các phường đông dân cư...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.