Chủ tịch Quốc hội: 'Không hiểu tại sao Việt Nam nhiều loại thuốc thế'

16/04/2024 16:23 GMT+7

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng quá nhiều loại dược phẩm có cùng chứa một hoạt chất được lưu hành dẫn tới bất cập nhất định trong hoạt động khám chữa bệnh.

Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật Dược (sửa đổi). Một trong những nội dung mới được đưa vào dự thảo luật, đó là quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Chủ tịch Quốc hội: 'Không hiểu tại sao Việt Nam nhiều loại thuốc thế'- Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Dược (sửa đổi)

GIA HÂN

Cần tìm điểm cân bằng giữa sản xuất và sức khỏe người dân

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng đề xuất trên là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Nếu quy định bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử thì chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với luật Giao dịch điện tử.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với quan điểm của Thường trực Ủy ban Xã hội. Thuốc là một loại hàng hóa rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, an toàn tính mạng con người, thậm chí có cả những loại độc dược, có thể gây chết người.

Vì thế, mấu chốt khi xây dựng dự thảo luật lần này là phải tìm được điểm cân bằng giữa thuận lợi của bên sản xuất và bảo vệ sức khỏe của người dân.

"Tinh thần lần này, Bộ Y tế mở hơn. Tâm lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở nước ngoài thì muốn mở hơn nữa. Còn Ủy ban Xã hội có thứ ủng hộ, muốn nghiên cứu mở hơn, có thứ thì còn băn khoăn, giảm bớt độ mở hoặc thắt chặt hơn", Chủ tịch Quốc hội nói, tiếp tục đề nghị "làm sao phải tìm được điểm cân bằng".

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, do thuốc là mặt hàng đặc biệt như đã nêu, bán thuốc nói chung, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử cần phải kiểm soát rất chặt, đánh giá tác động cụ thể.

"Thuận lợi thì có, bán tốt, nhưng thuốc nhiều loại như thế, nếu kinh doanh online thì quyền và trách nhiệm như thế nào, là vấn đề rất quan trọng", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp để có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, trên cơ sở đánh giá kỹ giữa lợi ích với hậu quả, rủi ro; khả năng kiểm soát của cơ quan nhà nước cũng như kinh nghiệm thế giới.

Chủ tịch Quốc hội: 'Không hiểu tại sao Việt Nam nhiều loại thuốc thế'- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp

GIA HÂN

"Tiềm năng của chúng ta rất lớn nhưng thực tế ngành dược còn nhỏ"

Một chính sách lớn khác tại dự thảo luật Dược (sửa đổi) được Chủ tịch Quốc hội đề cập, là quy định về thủ tục cấp, gia hạn hoặc thay đổi giấy đăng ký lưu hành thuốc.

"Tôi không hiểu tại sao Việt Nam lại có nhiều loại thuốc thế", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, và nhắc lại thời điểm mình còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có khoảng hơn 20.000 loại, trong khi các nước phát triển chỉ khoảng 10.000 loại. Ông lấy ví dụ, riêng dòng paracetamol đã có tới 350 loại.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng quá nhiều loại dược phẩm có cùng chứa một hoạt chất được lưu hành, dẫn tới bất cập nhất định trong việc kê đơn, mua thuốc, thanh toán khi khám chữa bệnh… Vì thế, quá trình xây dựng luật cần rà soát, tính toán đến vấn đề này, cần có sự phân loại danh mục thuốc sao cho phù hợp, phân cấp, phân quyền hợp lý…

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, rằng đa số thuốc thông thường Việt Nam tự sản xuất được, nhưng khoảng 90% nguyên liệu làm thuốc và các lọai thuốc đặc trị, thiết yếu vẫn phải nhập khẩu.

Do đó, việc phát triển ngành dược vừa là kinh tế nhưng vừa liên quan chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cần phải được hết sức quan tâm, có chính sách thúc đẩy phát triển. "Tiềm năng của chúng ta rất lớn nhưng thực tế ngành dược còn nhỏ", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại Quyết định 376/2021 của Thủ tướng về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến 2030, tầm nhìn 2045 để luật hóa một số chính sách nhằm khuyến khích một số ngành này phát triển mạnh.

Trong đó, cần có các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thông qua các quy định về lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỷ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thuốc mới.

Hay như việc thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý nên chăng có chính sách ưu đãi với thuế nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Hoặc cũng nên có chính sách với các hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm với thuốc hiếm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.