Chủ tịch Quốc hội: 'Năm 2023 không giải ngân được gói 347.000 tỉ thì chấm dứt'

11/05/2022 10:19 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ “lo ngại” về tiến độ giải ngân của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với gói 347.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua.

Sáng 11.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 11 để cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

gia hân

Trong phát biểu khai mạc, liên quan tới nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ “lo ngại” với tiến độ giải ngân của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế với gói 347.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua.

Theo Chủ tịch Quốc hội, gói 347.000 tỉ đồng của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế (Chương trình) chỉ giải ngân trong thời gian 2 năm 2022 - 2023, nhưng tới nay đã nửa năm 2022 rồi mà việc triển khai gói này vẫn “rất chậm”.

“Báo cáo dự kiến điều hòa vốn chương trình này với đầu tư công nhưng vừa rồi rà soát lại năm nay chỉ bổ sung thêm dự toán 18.000 tỉ thì nhằm nhò cái gì. Tức là giữa cái chúng ta nói và chúng ta làm không đi đôi với nhau”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

“Không biết gói này các đồng chí giải ngân như thế nào. Theo tinh thần nghị quyết Quốc hội đến 2023 nếu không giải ngân được thì trình Quốc hội chấm dứt chứ không có chuyện đưa vào gói sau đó chuyển nguồn. Nó không đúng tính chất gói kích thích kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của cơ quan thẩm tra thảo luận kỹ vấn đề này, không thể “3 sôi 2 lạnh”.

Liên quan tới vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan T.Ư trong việc triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế “mới đang dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến”. Tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm.

“Có ý kiến cho rằng, việc chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình và phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dẫn tới khó hoàn thành yêu cầu theo mốc thời hạn của Nghị quyết, sẽ ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu của Chương trình đặt ra”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho hay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 được đánh giá là đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự phiên họp sáng 11.5

gia hân

Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách này còn những vướng mắc trong việc rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp và tập huấn cho cán bộ thuế ở cơ sở để chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả”, ông Thanh nêu.

Ông Thanh cũng cho biết, các ý kiến đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan cần báo cáo rõ hơn tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đưa ra giải pháp đột phá, lộ trình, tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo nghị quyết của Quốc hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.