Sáng 25.8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Đất đai sửa đổi.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo luật mới nhất đang liệt kê cụ thể hàng trăm dự án thuộc 3 trường hợp: xây dựng công trình công cộng, công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp và công trình cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật; dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.
Dự thảo luật mới nhất trình tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành tới khoảng 4 trang để liệt kê các dự án thuộc trường hợp thu hồi đất này.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc quy định theo hướng liệt kê các trường hợp có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.
Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ.
"Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình", ông Thanh nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, do đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của T.Ư Đảng nên Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.
Liệt kê các trường hợp thu hồi không cách gì đủ được
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các luật Đất đai qua các thời kỳ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho" tức là liệt kê các trường hợp, dự án Nhà nước thu hồi đất thì không cách gì đủ được, có khi càng liệt kê càng thiếu.
"Nên chăng là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi có được không? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận", Chủ tịch Quốc hội gợi mở.
Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, với hướng tiếp cận này, có thể quy định thêm quy định đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất.
"Trong thực tế có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất lại ra quyết định thu hồi đất. Cho nên, điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Dẫn chứng công tác cán bộ hiện nay cũng phải trong quy hoạch một thời gian mới được xem xét bổ nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất cũng tiếp cận theo cách này để ngăn chặn việc điều chỉnh quy hoạch là ra quyết định thu hồi đất.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá, đấu thầu đất đai. "Nên tách nó ra hai chuyện riêng, đừng ghép hai cái đó. Đấu giá đấu thầu thì phải có đất sạch và đó là việc khác. Có trường hợp đấu thầu đấu giá có thu hồi đâu vì đất sạch sẵn rồi. Các đồng chí để cho nó thanh thoát, mạch lạc đi có được không?", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bình luận (0)