Chủ tịch Quốc hội: 'Sợ ảnh hưởng tới thu nhập thì đừng có vi phạm'

10/02/2020 12:20 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cần nâng mức tiền phạt trong xử lý vi phạm hành chính để tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Phải nâng mức phạt lên một cách mạnh dạn

Sáng 10.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 42 để cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp cho biết, Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính trong 10 lĩnh vực và bổ sung cho 6 lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, nêu ý kiến cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, tờ trình của Chính phủ "chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực".
Theo ông Tùng, một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.
Do đó, ông Tùng cho rằng, chỉ cần sửa đổi các văn bản này là được.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Từ đó, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể.
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ đồng tình với tăng mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính mà Chính phủ đề xuất.
Theo ông Hiển, lâu nay, mỗi khi sửa luật Xử lý vi phạm hành chính, chúng ta thường cân nhắc thu nhập của người dân nên cứ “loanh quanh”, không tăng mạnh.
“Xử phạt là để răn đe, để đối tượng vi phạm tránh, không vi phạm. Bài học vừa qua là Nghị định 100 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là rất thích ứng với thực tế. Mỗi "ông thần lưu linh" khi nâng ly lên đều nghĩ tới mức phạt 40 triệu, tước bằng lái 2 - 3 tháng thì đều hạ ly xuống”, ông Hiển nói, đồng thời bày tỏ: “Lâu nay, chúng ta cứ loanh quanh vấn đề thu nhập của người dân. Nếu lo thu nhập thì đừng vi phạm”.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, cần xác định lĩnh vực nào cần răn đe thì tăng mức phạt lên, chẳng hạn như trong lĩnh vực an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ hay xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em… “Phải nâng lên một cách mạnh dạn. Cứ đưa vấn đề thu nhập của người dân thì ta lại cản trở việc sửa luật”, ông Hiển nhấn mạnh.

Nếu chính quyền làm tốt thì không có 8B Lê Trực

Dù đồng tình với đề xuất tăng mức phạt trong những lĩnh vực cần thiết để tăng tính răn đe, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã dẫn lại kết quả giám sát về sử dụng đất đai đô thị của Quốc hội và cho rằng, mặc dù quy định pháp luật rất đầy đủ, mức xử phạt rất cao, song không hiệu quả thực tế.
Theo ông Thanh, bản chất, nguyên nhân sâu xa là thực thi pháp luật còn hạn chế. Bất cập kể cả về phía tổ chức cá nhân vi phạm không tự giác thực hiện, và cơ quan chức năng, chính quyền cũng chưa làm hết trách nhiệm, chưa sử dụng hết mức xử phạt như ngoài phạt tiền thì có thể cưỡng chế tháo dỡ, di dời công trình.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

“Nếu làm tốt thì làm sao có các công trình vi phạm như HH Linh Đàm hay 8B Lê Trực”, ông Thanh nói, và cho rằng trên cơ sở pháp luật hiện hành mà cơ quan chức năng, chính quyền làm hết trách nhiệm, thì không tới mức sai phạm nhiều như thời gian vừa qua.
Đồng tình tăng mức tiền phạt tối đa để răn đe, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Nếu không muốn ảnh hưởng thu nhập thì đừng có vi phạm”, và cho rằng, như vụ quấy rối xảy ra trong tháng máy phạt 200.000 đồng, trước đó có thể quy định thế nhưng từ thực tế triển khai, cần phải sửa luật để răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, bà Ngân đề nghị với 10 lĩnh vực mà Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa và 6 lĩnh vực bổ sung cần phải làm rõ căn cứ thực tiễn.
“10 lĩnh vực đề xuất tăng, 6 lĩnh vực bổ sung là thực sự cần thiết, cấp bách, vướng mắc, bất cập để tăng hay không? Tại sao không phải tăng lĩnh vực khác, ví dụ như bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm? Hai lĩnh vực này không vướng mắc, không có bất cập trong thực tiễn à? Cần phải làm rõ cơ sở tăng mức phạt tối đa để thuyết phục đại biểu Quốc hội”, bà Ngân lưu ý.
Quấy rối trong thang máy có bị phạt 3 - 5 triệu thay vì phạt 200.000 đồng
Trao đổi tại phiên họp, liên quan tới mức phạt hành chính 200.000 đồng với hành vi quấy rối tình dục trong thang máy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an sửa Nghị định 167 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. "Đến giờ Bộ Công an đang sửa, theo hướng có tăng mức phạt lên", ông Long cho hay.
Theo ông Long, hiện mức phạt tối đa trong lĩnh vực này là 40 triệu đồng. Do đó, Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền thì có đủ khả năng để tăng mức phạt chưa chưa cần sửa luật. "Đây là giải pháp tiếp tục xử lý thôi chứ để rốt ráo vấn đề thì còn nhiều biện pháp khác", ông Long nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết hiện Bộ Công an đang tiến hành sửa Nghị định 167 để nâng mức phạt. "Tới đây sửa ngay, không có chuyện là 200.000, trong dự thảo là 3 triệu, 5 triệu đồng, có thể mức cao", ông Vương thông tin

10 lĩnh vực Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa

Giao thông vận tải đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
Cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục: từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
Điện lực: từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng;
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng;
Báo chí; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi): từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng;
Kinh doanh bất động sản: từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.