Đề nghị đổi tuổi nghỉ hưu thành tuổi hưởng lương
Báo cáo về các nội dung còn ý kiến khác nhau của bộ luật Lao động sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14.8, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết về tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án 1 mà Chính phủ trình về lộ trình tăng tuổi hưu.
Cụ thể, đến năm 2028, sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
Bà Thúy Anh cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thể chế hóa Nghị quyết số 28 của T.Ư và chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số, song cần lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động.
“Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới”, bà Thúy Anh thông tin, đồng thời cho biết ủy ban cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc chuyển tên gọi của quy định về tuổi nghỉ hưu thành tuổi hưởng lương hưu, có thể sẽ phù hợp hơn.
Nhiều văn bản đã quy định tuổi hưu tăng lên
Thảo luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là vấn đề lớn và đã được đặt ra nhiều lần. Ông Lưu cho hay, hệ thống pháp luật hiện hành hiện đã có một số văn bản quy định về tuổi nghỉ hưu khác nhau và theo hướng tăng lên.
Chẳng hạn, trong luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân thì tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 65 tuổi. Trong những quyết định của Chính phủ và Thủ tướng thì tuổi nữ lãnh đạo cấp thứ trưởng tại Hà Nội, TP.HCM bây giờ cũng là 60 và các chức danh tương đương như vậy.
Nghị định 53 của Chính phủ cũng quy định tuổi nghỉ hưu của những chức danh như giáo sư, phó giáo sư, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 của ngành y tế tới 65, 67...
Ông Lưu ủng hộ chính sách này vì cho rằng, theo phương án của Chính phủ là 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ nhưng có lộ trình từ nay đến năm 2028 và 2035, chứ không phải bây giờ ta sửa luật là đến năm 2021 có ngay tuổi 62 và 60.
Trình bày ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho hay cơ quan này đồng ý với việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi bộ luật Lao động lần này, song mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét tới các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực, ngành, nghề và cần được thiết kế linh hoạt; đồng thời, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất và viên chức trong một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học và người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.
Không phải T.Ư có nghị quyết thì không cần giải trình
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh vấn đề tăng tuổi hưu phải thực hiện đúng tinh thần của T.Ư là đáp ứng mục tiêu dài hạn, chứ không phải là trước mắt. Theo Chủ tịch Quốc hội, theo lộ trình mà Chính phủ đề xuất, tới năm 2035, một cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60 tuổi. Tức là hơn 15 năm nữa, phụ nữ mới được làm việc tới 60 tuổi.
“Không phải chúng tôi làm cái này để chúng tôi tính ở lại đâu. Tôi với chị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội - phóng viên) cũng quá tuổi theo bộ luật rồi. Vì vậy, làm bộ luật này không phải vì cho người đương chức kéo dài thời gian làm việc”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Tuy nhiên, bà Ngân nhấn mạnh, cần tính toán thận trọng bước đi, cách làm và cần thiết phải đánh giá từng loại đối tượng để khi báo cáo ra Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân, các đối tượng chịu tác động của luật hiểu một cách thấu đáo.
“Không phải T.Ư có nghị quyết rồi thì không cần đánh giá tác động, không cần giải trình. Có tư tưởng này hay không?", bà Ngân đặt vấn đề, và đề nghị phải Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải đánh giá tác động việc thực hiện lộ trình tăng tuổi hưu từ năm 2021 một cách thấu tình, đạt lý, thuyết phục người lao động tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề này.
Bình luận (0)