Việt Nam không chọn bên mà chọn lẽ phải
Sáng 25.4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Ngoại thương - Tôn giáo Argentina ở thủ đô Buenos Aires đã diễn ra sự kiện kỷ niệm "50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Argentina: Hiện tại và tương lai".
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ suy nghĩ về 3 vấn đề: Tình hình thế giới; tình hình chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Argentina.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thế giới hôm nay bên cạnh những mặt thuận lợi và tiềm năng to lớn, đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, từ biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu; khủng hoảng năng lượng và lương thực; bất bình đẳng về kinh tế và bất ổn về chính trị, xã hội; cho đến cạnh tranh chiến lược và phân tách giữa các nước lớn, các cường quốc; xung đột và chiến tranh…
"Thử thách là rất lớn, song cũng là động lực để tất cả các nước, các khu vực đổi mới mạnh mẽ và phát triển", Chủ tịch Quốc hội nói, nhấn mạnh, trong tiến trình này, Việt Nam và Argentina nói riêng, các nước Đông Nam Á và Mỹ Latinh nói chung có vai trò và đóng góp rất quan trọng.
Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp, Việt Nam kiên định không chọn bên mà chọn lẽ phải, dựa vào luật pháp quốc tế. Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng các đối tác, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế hòa bình, ổn định, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các dân tộc, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất và đề ra hai mục tiêu 100 năm, kết tinh khát vọng lớn lao của dân tộc Việt Nam. Thứ nhất là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Thứ hai là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò hàng đầu trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối chính trị, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, lập pháp và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật. Trong đó, lĩnh vực đối ngoại giữ vị trí rất quan trọng.
Mong muốn đẩy mạnh hợp tác với khu vực Mỹ Latinh
Về tầm nhìn trong quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh 10 năm tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục khẳng định rằng, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi với khu vực Mỹ Latinh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam kỳ vọng cùng các nước Mỹ Latinh chủ động đón bắt những cơ hội để nhân lên sức mạnh, cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau chủ động giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống dù trên bộ, trên biển hay trên không, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.
"Với dự báo và tầm nhìn 10 năm tới, tôi nghĩ rằng, Đông Nam Á và Mỹ Latinh có tiềm năng to lớn và hoàn toàn có thể trở thành hiện thực để trở thành những cực tăng trưởng mới của thế giới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam chủ trương củng cố, mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng. Mặt khác, Việt Nam tăng cường xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, trong đó Mỹ Latinh là một trọng điểm mới.
Việt Nam sẵn sàng thảo luận với các nước thành viên Mercosur về việc sớm xây dựng một hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội mới để tăng cường thương mại, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Nam Mỹ.
Đồng thời với tiến trình đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong ASEAN, nỗ lực là đầu tầu, cửa ngõ, cầu nối hợp tác giữa ASEAN và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), đặc biệt trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và có khả năng bổ trợ cho nhau.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tại khu vực Mỹ Latinh hiện nay, đất nước Cuba vẫn đang phải chịu sức ép từ bao vây, cấm vận.
"Một lần nữa, Việt Nam kêu gọi chung tay dỡ bỏ cấm vận chống Cuba. Các bên liên quan với thái độ thiện chí và xây dựng, nối lại đối thoại, tăng cường hiểu biết, giảm thiểu các khác biệt và tìm ra các lĩnh vực để khởi đầu cho sự hợp tác cùng có lợi", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cho rằng đây là tầm nhìn mới về thời cơ mới, để cùng nhau phát triển lực lượng mới, sức mạnh tổng hợp mới và đề cao trách nhiệm mới trong việc xử lý các vấn đề khu vực và các trọng trách mang tính toàn cầu hiện nay.
Mốc son trong mối quan hệ Việt Nam - Argentina
Dành cuối bài phát biểu để nói về mối quan hệ Việt Nam - Argentina, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Argentina. Ông cho rằng, năm 2023 là mốc son trong mối quan hệ giữa hai nước khi đây là năm kỷ niệm 50 năm xây dựng và vun đắp quan hệ hữu nghị.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất và dẫu ở hai châu lục, hai dân tộc chúng ta cùng chia sẻ và phát triển những giá trị chung văn minh và tiến bộ. Đó là khát vọng độc lập, dân chủ và phát triển cho đất nước, tự do, hạnh phúc và tiến bộ cho nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những giá trị thiêng liêng, tương đồng và tình cảm đó là tài sản vô giá, là chất keo tự nhiên hữu cơ và xung lực mạnh mẽ để chúng ta đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn mới trên cả 3 phương diện: chính trị ngoại gia; kinh tế thương mại; cũng như văn hóa, giáo dục.
"Chúng ta cần tận dụng các khuôn khổ và hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Mercosur, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đồng thời hướng tới Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Mercosur. Nắm bắt cơ hội phát triển xanh, sạch, bền vững, đổi mới và sáng tạo mà Việt Nam và Argentina có thế mạnh có thể bổ sung cho nhau", Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo ra tương lai.
"Muốn hình dung 50 năm sau quan hệ Việt Nam - Argentina như thế nào thì chúng ta phải cùng nhau thúc đẩy và kiến tạo tương lai của mối quan hệ này. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, hai nước, hai khu vực chúng ta sẽ hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và thực chất, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa như tinh thần đoàn kết, đồng đội của bóng đá và tinh thần phối hợp nhịp nhàng của điệu nhảy Tango huyền thoại. Trên nền móng lịch sử vô giá, cùng nhau viết tiếp những trang sử mới ngày càng tươi đẹp của hai nước Việt Nam - Argentina trong cuốn sách về thế giới 10 năm và 50 năm tiếp theo", Chủ tịch Quốc hội nói.
Dấu mốc quan trọng để cụ thể hóa quan hệ hợp tác
Trong phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Argentina Eduardo Valdés điểm lại mốc thời gian khi Việt Nam và Argentina chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
Nhìn lại 50 năm qua, mối quan hệ Việt Nam và Argentina đã đạt được nhiều thành tựu trên 13 kênh hợp tác quan trọng. Việt Nam là một đối tác quan trọng, chiến lược về thương mại của Argentina trên thế giới và quan hệ thương mại song phương phát triển đáng ngạc nhiên. Trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng 600%, vượt mốc hơn 4 tỉ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Argentina.
Ông Eduardo Valdés nhấn mạnh, Việt Nam là một đất nước đang ngày càng phát triển một cách rất tích cực trên thế giới. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội là dấu mốc quan trọng để hai bên có thể cụ thể hóa quan hệ hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu hai nước đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác hai nước, gồm: Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; Hiệp định dẫn độ; Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù; Bản ghi nhớ về xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư...
Bình luận (0)