Chủ tịch Quốc hội: 'Xây cái hàng rào, nhà vệ sinh ai phê duyệt, lấy tiền đâu?'

09/01/2024 19:47 GMT+7

Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại luật Đầu tư công để có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho các dự án nâng cấp, cải tạo, mua sắm, sửa chữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vướng mắc không nằm ở luật Đầu tư công.

Chiều 9.1, tiếp tục phiên họp 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về việc giải thích quy định tại khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công (quy định về phân loại dự án đầu tư công).

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công quy định các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án là dự án đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội: 'Xây cái hàng rào, nhà vệ sinh ai phê duyệt, lấy tiền đâu?'- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp

GIA HÂN

Quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, nhất là cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan về quy định nói trên.

Cụ thể, một cách hiểu là luật Đầu tư công không quy định hạn chế về đối tượng đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách sách nhà nước.

Cách hiểu thứ hai thì cho rằng, toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc thuộc đối tượng của luật Đầu tư công, nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.

Theo đó, toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc phải sử dụng vốn đầu tư công, cần phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, không được sử dụng kinh phí chi thường xuyên.

Cách hiểu thứ hai dẫn đến vướng mắc vì các hoạt động mua sắm, nâng cấp, sửa chữa là các hoạt động phát sinh, đa dạng, thường không lường trước được nên khó kế hoạch hóa theo giai đoạn 5 năm.

Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích bằng văn bản quy định này để thống nhất cách hiểu trong tổ chức thực hiện. Cụ thể là làm rõ có được (hay không được) sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hằng năm để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.

Chủ tịch Quốc hội: 'Xây cái hàng rào, nhà vệ sinh ai phê duyệt, lấy tiền đâu?'- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra

GIA HÂN

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay, cơ quan thẩm tra cho rằng, nội dung tại khoản 1 điều 6 của luật Đầu tư công là để phân loại dự án đầu tư công, không có nghĩa cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.

Quy định của luật đã rõ, song để giải quyết vướng mắc của Chính phủ về cách hiểu đối với quy định này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến nội dung này.

Theo đó, khẳng định rõ: khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công quy định việc phân loại dự án đầu tư công, không quy định hạn chế (không cấm) việc sử dụng các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp dự án đã đầu tư xây dựng để sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị.

Về việc sử dụng kinh phí thường xuyên cho các dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa công trình, thiết bị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát để có quy định, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, đúng quy định, tránh bị lạm dụng để triển khai thực hiện thống nhất.

"Vẫn cần giải thích để anh em dám làm"

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các dự án đầu tư công đều nằm trong kế hoạch trung hạn cho cả nhiệm kỳ và chi tiết đến từng dự án.

Chủ tịch Quốc hội: 'Xây cái hàng rào, nhà vệ sinh ai phê duyệt, lấy tiền đâu?'- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

"Thế bây giờ tôi muốn hỏi các đồng chí là xây một cái hàng rào hay nhà vệ sinh thì ai phê duyệt và lấy tiền ở đâu, có nằm trong danh mục nói trên không, có lấy trong mấy triệu tỉ đầu tư công không hay là lấy chi thường xuyên?", Chủ tịch Quốc hội nêu, cho rằng quan điểm lâu nay là nếu đã lập dự án đầu tư công thì là đầu tư công, còn lại là chi thường xuyên. Do đó, ông cho rằng, thực tế không vướng ở luật Đầu tư công mà do cách hiểu, vận hành.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể kết luận là khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công không vướng mắc gì, nội hàm của quy định là phân loại theo tính chất và quy mô chứ không liên quan gì tới việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên hay không. Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rà soát lại luật Ngân sách nhà nước để quy định chi tiết hơn để có cơ sở dùng kinh phí chi thường xuyên cho các loại dự án này.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, thực tế, nếu luật Ngân sách nhà nước không bỏ các khoản "chi thường xuyên có tính chất đầu tư" thì sẽ không dẫn đến các vướng mắc. Tuy nhiên, khi sửa luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã bỏ khoản chi này. Sau này, luật Đầu tư công năm 2019 với quy định tại khoản 1 điều 6 thì các cơ quan không dám làm.

Chủ tịch Quốc hội: 'Xây cái hàng rào, nhà vệ sinh ai phê duyệt, lấy tiền đâu?'- Ảnh 4.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

"Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là đúng đắn, chính xác, có trong kế hoạch thì là đầu tư công, còn lại thì vẫn lập dự án nhưng nguồn vốn khác thì vẫn được. Tuy nhiên, vẫn cần giải thích để anh em dám làm. Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận thì ban hành", ông Phớc kiến nghị.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nói thêm với các nội dung chi cải tạo, nâng cấp thì chi đầu tư không đảm bảo mà chủ yếu là chi thường xuyên. Tuy khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công không cấm, song cũng không có điều nào cho phép trong khi công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép dẫn đến khó khăn, vướng mắc.

Từ đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị cần có cách hiểu thống nhất là chi thường xuyên đối với các nội dung nâng cấp, cải tạo thì được phép để triển khai. "Tinh thần là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ để rõ ràng trách nhiệm", Phó thủ tướng nói.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định quy định tại luật Đầu tư công và các luật khác không cấm sử dụng các nguồn vốn khác cho việc mua sắm, sửa chữa nhỏ, bảo trì, bảo dưỡng.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn trên thực tế thì Chính phủ có thể ban hành văn bản hướng dẫn luật Ngân sách nhà nước theo thẩm quyền, đó là cách nhanh nhất. Cách thứ hai là tiếp thu ý kiến phiên thảo luận, Chính phủ chuẩn bị hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điểm b khoản 2 điều 12 của luật Ngân sách nhà nước (về điều kiện thực hiện chi ngân sách với khoản chi thường xuyên).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.