Sáng 12.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Địa chất và khoáng sản. Đây là dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 7 hồi tháng 5 vừa qua, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
Thu hẹp khu vực khoáng sản cấp phép kiểu xin - cho
Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về thu hẹp phạm vi, đối tượng khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về khu vực đấu giá, không đấu giá khai thác khoáng sản (tại điều 104 dự thảo luật).
Cụ thể, dự thảo luật đã bỏ quy định tiêu chí khu vực không đấu giá là khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản.
Theo đó, các khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản bao gồm: khoáng sản năng lượng, phóng xạ đã được xác định trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia.
Ngoài ra, còn có khu vực khoáng sản ưu tiên cấp phép thăm dò xuống sâu và mở rộng; khu vực khoáng sản được tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản; khu vực khoáng sản nhóm 4 khoanh định để cấp giấy xác nhận đăng ký khai thác cho các tổ chức; các trường hợp thu hồi khoáng sản theo các dự án đầu tư xây dựng.
Dự thảo luật cũng giữ quy định về các trường hợp khác không thực hiện đấu giá do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về đề nghị thực hiện đấu thầu dự án khai thác khoáng sản, trừ các khu vực khoáng sản năng lượng, phóng xạ hạt nhân, ông Lê Quang Huy cho hay, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội cho rằng đây là chính sách mới, rất phức tạp.
Việc đưa nội dung này vào dự thảo luật có thể dẫn đến vướng mắc, khó khả thi do chưa đánh giá đầy đủ các tác động của chính sách. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật và đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu lộ trình để thí điểm, tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa.
Giảm thiểu trường hợp giao cho Chính phủ quy định
Nêu ý kiến vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nên giao Chính phủ quy định trên cơ sở công khai, minh bạch hiệu quả và đòi hỏi lợi ích lâu dài của quốc gia; đồng thời cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Luật Khoáng sản 2010 không quy định cụ thể về các trường hợp không đấu giá mà giao cho Chính phủ quy định và quyết định. Điều này, theo đánh giá tổng kết thi hành luật đã tạo ra cơ chế kiểu xin - cho trong cấp quyền khai thác khoáng sản, gây nguy cơ thất thu cho ngân sách nhà nước.
Cho ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý vừa qua, một số nơi xảy ra vụ án hình sự, kỷ luật cán bộ liên quan đến địa chất, khoáng sản. Điều đó cho thấy rằng việc cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo luật Địa chất và khoáng sản cần phân biệt rõ từ quy hoạch, thăm dò, khai thác.
Nhấn mạnh việc đánh giá tác động của chính sách, ông Trần Thanh Mẫn một lần yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
"Xem có nhóm lợi ích nào trong dự thảo luật này không? Trong xây dựng pháp luật phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc. Cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự án luật phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong soạn thảo và thẩm tra", ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau được cơ quan chủ trì thẩm tra đề cập, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ căn cứ, ưu nhược điểm khi thiết kế các phương án trong dự thảo luật, đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Tóm lược phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra rà soát để giải trình thuyết phục với các ý kiến chỉ tiếp thu một phần hoặc không thể đưa vào luật.
"Như ý kiến đề nghị đấu giá tất cả quyền khai thác khoáng sản trừ khoáng sản năng lượng, phóng xạ hạt nhân; về tổ chức nước ngoài trúng đấu giá; khoáng sản quan trọng thiết yếu; các vấn đề liên quan quy hoạch bô-xit..", ông Phương nêu.
Ông Phương cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát để luật hóa tối đa trong các luật nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm, giảm thiểu trường hợp giao cho Chính phủ quy định. Trường hợp để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong triển khai thì cần quy định nguyên tắc trong luật trước khi giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, quyết định.
"Như trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định; giao Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí xác định khu vực thăm dò xuống sâu, mở rộng; quy định chi tiết về tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản; quy định chỉ chọn 1 loại khoáng sản để đấu giá trong trường hợp khu vực khoáng sản có từ 2 khoáng sản trở lên…", ông Phương nêu.
Bình luận (0)