Các cáo buộc trên là một phần trong cuộc điều tra liên quan việc sáp nhập của Samsung vào năm 2015, điều mà các công tố viên trước đây cho rằng nhằm củng cố quyền kiểm soát của ông Lee đối với tập đoàn công nghệ, theo hãng tin Bloomberg.
Vào tháng 11 năm ngoái, ông Lee bị đề nghị mức án 5 năm tù. Các công tố viên cáo buộc ông và các cựu giám đốc điều hành khác của Samsung đã vi phạm Đạo luật Thị trường Vốn để dựng lên kế hoạch sáp nhập giữa Samsung C&T và Cheil Industries, với kết quả là "chà đạp" lên lợi ích của các cổ đông thiểu số, Reuters đưa tin.
Trước khi sáp nhập, gia đình ông Lee và các đơn vị liên quan kiểm soát Cheil nhưng không kiểm soát Samsung C&T - cổ đông lớn của Samsung Electronics - viên ngọc quý của Tập đoàn Samsung.
Tuy nhiên, ông phủ nhận hành vi sai trái. Ông nói rằng mình và các giám đốc điều hành khác hành động vì tin rằng việc sáp nhập sẽ mang lại lợi ích cho các cổ đông.
Quyết định mới từ tòa sẽ giúp ông Lee tránh được việc ở tù lần nữa. Trước đó, ông đã bị kết án 30 tháng tù vào năm 2017 về tội hối lộ một người bạn của cựu Tổng thống Park Geun-hye. Ông Lee thụ án 18 tháng và sau đó được Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol ân xá vào năm 2022 vì cho rằng chủ tịch của Samsung có thể giúp chính phủ vượt qua "cuộc khủng hoảng kinh tế quốc gia".
Việc tuyên trắng án đã giảm bớt gánh nặng cho nhà sản xuất chip nhớ và màn hình lớn nhất thế giới, vốn đang phải vật lộn với suy thoái toàn cầu và thách thức gay gắt các đối thủ cạnh tranh.
Các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc vẫn do các gia đình sở hữu và kiểm soát. Tính đến cuối tháng 9.2023, gia đình ông Lee và các đơn vị liên quan sở hữu 20,7% cổ phần của Samsung Electronics.
Công chúng Hàn Quốc từ lâu đã thay đổi từ sự tức giận trước nhiều vụ bê bối của các gia tộc này, sang thừa nhận rằng họ phải chịu trách nhiệm cho phần lớn thành công của nền kinh tế quốc gia.
Bình luận (0)