Ngày 25.9, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Phiên tòa được mở do ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, một bị hại cũng có đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt tù đối với ông Dũng và đề nghị ông này trả lãi trái phiếu theo các điều khoản hợp đồng.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh được đề nghị giảm án
Tại tòa hôm nay, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tiếp tục khẳng định thu tiền trái phiếu để đầu tư vào các dự án bất động sản được cấp phép, phê duyệt; bản chất và mục đích của hành vi không phải chiếm đoạt của nhà đầu tư.
Về lý do xin giảm án, ngoài ý chí chủ quan không lừa đảo, ông Dũng nói đã quyết tâm rất cao để trong thời gian ngắn gia đình thu xếp được số tiền "có thể nói là quá sức lớn". "Tôi tuổi cao, ở trong trại giam đã 930 ngày, rất khó khăn. Nay tôi mong muốn trở về khôi phục và phát triển tập đoàn vì chúng tôi còn rất nhiều dự án và kế hoạch để cống hiến tiếp cho xã hội", bị cáo nói.
Chủ tọa sau đó phân tích, số tiền Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận từ các nhà đầu tư đã bị sử dụng không đúng mục đích kêu gọi khi phát hành trái phiếu, thủ tục quy trình kêu gọi có yếu tố lừa dối. Vì thế, bị cáo bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị hại duy nhất có đơn kháng cáo là người phụ nữ 46 tuổi ở Thanh Hóa. Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 3, bà được tòa tuyên nhận bồi thường 2 tỉ đồng - là số tiền đã đầu tư vào các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Người này cho hay đã huy động tiền của anh em bạn bè mua trái phiếu, nhưng chỉ 5 ngày sau thì ông Dũng bị bắt, khiến số trái phiếu 2 tỉ đồng trở nên vô giá trị. Từ lúc đó, bà liên tục bị anh em, bạn bè đòi tiền. Cho rằng vụ án ảnh hưởng đến danh dự, tâm lý và cuộc sống gia đình, bị hại kháng cáo và đề nghị 2 nội dung như đã nêu.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện viện kiểm sát nhận định ông Đỗ Anh Dũng có một số tình tiết mới như: đang điều trị bệnh hiểm nghèo, gia đình có công với cách mạng… Đây là các căn cứ để viện kiểm sát đề nghị giảm án cho ông Dũng 6 - 9 tháng tù, so với bản án 8 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên.
Với kháng cáo của bị hại, đại diện viện kiểm sát cho biết bản án dân sự thể hiện người phụ nữ ở Thanh Hóa vay tiền "do cần gấp để lo kinh doanh cho chồng", không nêu vay tiền để mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Vì thế không có căn cứ để xác định bà vay nợ để mua trái phiếu, dẫn đến mất khả năng trả nợ, là do lỗi của Tân Hoàng Minh. Kiểm sát viên do đó đề nghị bác cả 2 nội dung mà bị hại kháng cáo.
"Sự khác biệt không vụ án lừa đảo nào có được"?
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa của ông Đỗ Anh Dũng đưa ra 4 căn cứ để hội đồng xét xử xem xét, giảm án cho thân chủ.
Thứ nhất, phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3 có đến hơn 1.000 bị hại "đội mưa giông, giá lạnh đến dự", tha thiết đề nghị cho Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh hưởng chính sách khoan hồng. Tại tòa hôm nay tiếp tục có 262 lá đơn của các pháp nhân, cá nhân xin giảm hình phạt cho bị cáo.
"Đây là sự kiện khác biệt mà không một vụ án lừa đảo nào có được. Kính đề nghị hội đồng xét xử xem đây là một tình tiết giảm nhẹ riêng, cá biệt và đặc biệt mà chỉ vụ án này mới có", luật sư nói.
Thứ hai, bản án sơ thẩm ghi nhận toàn bộ thiệt hại vụ án đã được khắc phục ngay từ giai đoạn điều tra. Luật sư dẫn thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội cho biết toàn bộ bị hại đã nhận được tiền của mình, do đó mong tòa ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ mới.
Thứ ba, luật sư cho rằng ông Đỗ Anh Dũng ngay từ đầu không biết hành vi của mình là vi phạm, sau khi hiểu ra đã tích cực hợp tác điều tra, khắc phục hậu quả, chủ động chấp hành mọi quyết định của cơ quan pháp luật. Quá trình tạm giam hơn 2 năm, bị cáo cũng luôn chấp hành, không một lần vi phạm.
Thứ tư, về nhân thân, luật sư nói ông Dũng có hơn 30 năm xây dựng Tập đoàn Tân Hoàng Minh, qua đó đóng góp đáng kể cho ngân sách, giải quyết việc làm, tạo các sản phẩm bất động sản giá trị, kiểu mẫu cho thị trường và đời sống thị dân cao cấp…
Bị cáo đã được tặng bằng khen của Thủ tướng và nhiều cơ quan, ban ngành; có nhiều hoạt động xã hội như: chăm sóc suốt đời cho 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ nhiều chục tỉ đồng cho các tỉnh phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của đợt bão và lũ lụt vừa qua…
Từ những căn cứ trên, luật sư đề nghị hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo đề nghị tăng mức án của bị hại, đồng thời chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Một nội dung đáng chú ý nữa được luật sư trình bày, đó là về phần trách nhiệm dân sự. Luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên bố các giao dịch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và giao dịch bảo đảm cho trái phiếu đều là vô hiệu. Bởi lẽ, các lô trái phiếu này được phát hành qua hình thức vi phạm pháp luật, không có giá trị, như bản án sơ thẩm đã nêu rõ.
Các bên liên quan cần phải trả cho nhau những gì đã nhận. Phía Tân Hoàng Minh đã khắc phục toàn bộ thiệt hại, không còn nghĩa vụ hoàn trả. Các bên nhận tài sản bảo đảm phải hoàn trả cho Tân Hoàng Minh các tài sản bảo đảm đó.
Đồng thời, các bên sẽ không được hưởng các thu nhập bất chính từ các hoạt động phát hành trái phiếu, lãi trái phiếu, chuyển nhượng trái phiếu, cầm cố - thế chấp tài sản bảo đảm trái phiếu…
Vụ án liên quan trái phiếu Tân Hoàng Minh
Hồi tháng 3, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 15 bị cáo cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành và bán 9 lô trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Trong số này, ông Dũng lãnh án 8 năm tù. 14 bị cáo còn lại, gồm lãnh đạo, nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 2 công ty kiểm toán bị tuyên thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 3 năm tù.
Bản án xác định, để giải quyết khó khăn về tài chính, bị cáo Đỗ Anh Dũng ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Thực hiện chủ trương này, con trai bị cáo là Đỗ Hoàng Việt cùng một số nhân viên tập đoàn tạo lập hồ sơ phát hành trái phiếu. Hồ sơ này được xây dựng trên các báo cáo tài chính đã "làm đẹp" số liệu, với sự tiếp tay của công ty kiểm toán.
Tiếp đó, các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lập hợp đồng giả cách, "chạy" dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu, rồi bán cho nhà đầu tư, thu về hơn 14.000 tỉ đồng. Phần lớn số tiền được bị cáo Dũng chỉ đạo chi tiêu không đúng phương án phát hành, gây thiệt hại hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 nhà đầu tư. Đến nay, ông Dũng cùng gia đình và người liên quan đã nộp và bị tạm giữ tổng cộng hơn 8.600 tỉ đồng, đủ để khắc phục hậu quả.
Bình luận (0)