Theo ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, "Năm du lịch quốc gia 2023" với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế được Bình Thuận đăng cai tổ chức.
Đây là cơ hội lớn nhất để Bình Thuận thu hút khách, đồng thời quảng bá hình ảnh, giới thiệu các giá trị vật thể, phi vật thể, tài nguyên thiên nhiên và các sản phẩm du lịch.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đã có thư gửi đến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn kêu gọi, tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm của đơn vị đến cộng đồng và du khách trong nước, quốc tế. Đồng thời, kêu gọi các DN chung tay, đóng góp, tài trợ kinh phí cùng với tỉnh thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao trong năm du lịch quốc gia 2023 được tổ chức tại Bình Thuận.
"Cái gì cũng có nhưng nhà vệ sinh công cộng thì không"
Tại cuộc gặp này, nhiều chủ DN đã có ý kiến đóng góp xây dựng cho tỉnh nhằm thu hút du khách trong các chuỗi sự kiện của Năm du lịch quốc gia. Trong đó, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt trên khắp mọi nơi, không riêng Mũi Né, đang làm xấu đi hình ảnh trong mắt du khách.
Ông Trần Anh Thi, giám đốc Seahorse Resort cho rằng, cả khu Mũi Né - Hàm Tiến hiện nay không chỉ không có nhà máy xử lý rác, mà còn không có một nhà vệ sinh công cộng. "Cái gì cũng có nhưng nhà vệ sinh công cộng cho khách thì không", ông Thi đóng góp. Theo ông, đây là cái thiếu từ người làm quy hoạch du lịch, nói nhiều nhưng vẫn chưa làm được.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác nêu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở mua bán nước mắm, hải sản với nhau, tạo ra cảnh buôn bán bát nháo.
"Còn có tình trạng các cơ sở buôn bán hải sản gửi tiền bo cho cánh tài xế để đưa khách đến với cơ sở kinh doanh của họ. Sau đó thì bán sản phẩm kém chất lượng, thậm chí cân thiếu cho khách. Cái này có nhiều rồi, phải dẹp bằng được, nếu không sẽ rất mất uy tín cho địa phương", ý kiến của chủ một DN nêu tại cuộc gặp.
Ngoài ra, bãi tắm Đá Ông Địa, cửa ngõ vào Mũi Né hiện nay vừa mất vệ sinh vừa bát nháo do buôn bán tự phát, gây phản cảm cho du khách khi đến Mũi Né.
Ghi nhận các ý kiến của DN, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết, ngay trong tháng 3 này TP sẽ khởi công, nâng cấp hạ tầng khu ven biển Đá Ông Địa (thuộc P.Phú Hài, TP.Phan Thiết) để tạo cảnh quan đẹp mắt.
Về tình trạng buôn bán gian lận dù chưa nhiều, chưa phổ biển nhưng ông Tân đánh giá, đã ít nhiều tạo ra hình ảnh xấu trong mắt du khách. Do vậy, TP cho kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp như thời gian vừa qua. Đồng thời, ông Tân ghi nhận các ý kiến nghị "mở chợ đêm Phan Thiết" và sắp xếp các hộ kinh doanh hải sản vào nề nếp.
"Có lòng yêu mến khách thì không sợ khách không đến"
Bà Thu Loan (chủ đầu tư Làng Tre Resort) cho hay: "Không nhất thiết cứ phải 4 hay 5 sao khách mới đến, thậm chí chỉ 2 sao, nhưng chú ý đến vệ sinh môi trường, sản phẩm chất lượng và nhất là có lòng yêu mến khách thì không sợ khách không đến". Bà Loan cũng cho rằng, những DN làm du lịch cần chia sẻ khó khăn, xây dựng hình ảnh đẹp ngay từ cơ sở của mình, nhất định sẽ thu hút du khách đến với Năm du lịch quốc gia "Bình Thuận - Hội tụ xanh".
Chia sẻ với các DN tại buổi gặp gỡ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết tâm đắc với ý kiến đóng góp nhằm xây dựng các chương trình cho Năm du lịch quốc gia nói riêng và sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận về lâu dài nói chung.
Theo ông An, Bình Thuận bắt đầu phát triển ngành du lịch kể từ khi có sự kiện nhật thực toàn phần vào năm 1995. Khi đó Mũi Né chỉ là những bãi biển còn hoang sơ. Các nhà đầu tư tìm đến Mũi Né làm du lịch với những khu nghỉ dưỡng nhỏ, chỉ dưới 2 ha (vì lớn hơn phải xin Chính phủ). Nhưng cho đến nay, dư địa các khu đất ven biển làm du lịch còn lại là rất ít vì đã giao cho các nhà đầu tư phủ kín. Do tính lịch sử để lại, nay tỉnh phải tính đến việc quy hoạch lại không gian biển nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các khu nghỉ dưỡng quy mô, đẳng cấp hơn. Và việc quy hoạch đang hướng đến những vùng đất ven biển Hòa Thắng - Tuy Phong của Bình Thuận.
"Sắp tới đây dự án sân bay Phan Thiết được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt là hai tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận được đưa vào khai thác cuối tháng 4 này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của du khách từ TP.HCM đến Bình Thuận. "Nút thắt" về giao thông đối ngoại không còn là "điểm nghẽn" thì nhất định ngành du lịch Bình Thuận sẽ thu hút du khách trong nước và quốc tế ngày càng đông hơn" - ông Dương Văn An tin tưởng và chia sẻ.
Bình luận (0)