Chiều 12.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Trong 3 năm qua, thứ hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của TP.HCM tăng liên tục. Cụ thể, năm 2020 xếp thứ 5, năm 2021 xếp thứ 3 và năm 2022 xếp thứ 2 (dẫn đầu là Đà Nẵng).
Báo cáo với Thủ tướng tại điểm cầu UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã thay thế các trang dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn bằng nền tảng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Đây là cổng dịch vụ công duy nhất của TP.HCM. Cổng dịch vụ công này liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia.
Dù hệ thống đã vận hành từ cuối tháng 10.2022 nhưng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, đây là một thách thức rất lớn do đặc thù của TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính từ năm 2006. Vì vậy, việc hợp nhất, thay thế hệ thống thông tin có trên 40 hệ thống thành phần, 10.000 tài khoản cán bộ, công chức và khoảng 1 triệu tài khoản người dân đang sử dụng trong thời gian ngắn là việc rất khó.
Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cán bộ, công chức, sự đồng lòng của người dân và hướng dẫn của Bộ TT-TT và Văn phòng Chính phủ.
Giảm bước trung gian trong 198 quy trình nội bộ
Cũng theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, TP.HCM đã kết nối thành công, thông suốt nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của thành phố với hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, giúp triển khai hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, chiến lược dữ liệu của thành phố, góp phần làm giàu kho dữ liệu của người dân, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm các bước trung gian, cá nhân hóa trách nhiệm xử lý của từng bước để rút ngắn thời gian xử lý. Quá trình tái cấu trúc bao gồm cả việc cắt bỏ các thành phần hồ sơ về sổ hộ khẩu giấy, tạm trú giấy.
"Trong 198 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, TP.HCM cắt giảm từ 1 đến 2 bước trung gian nhằm giảm bớt quy trình xử lý hồ sơ nội bộ", ông Mãi cho hay.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết đã hoàn thành rà soát 80% trong tổng số thủ tục hành chính và phê duyệt danh mục 600 dịch vụ công đáp ứng tiêu chí toàn trình và một phần. Trong quý 3/2023, TP.HCM sẽ rà soát 20% số thủ tục còn lại và hoàn thành tái cấu trúc tất cả quy trình nội bộ, quy trình điện tử 100% thủ tục có phát sinh hồ sơ.
Nêu một số bài học kinh nghiệm của TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho hay thứ nhất phải triển khai nhanh, thứ 2 là phối hợp chặt chẽ, thứ 3 là tổ chức các đoàn kiểm tra để giám sát tiến độ và cuối cùng phải có sự đầu tư nhất định. TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển hoạt động hành chính lên nền tảng số.
Bình luận (0)