Chủ tịch UB Người nhập cư Đài Loan: Muốn thay đổi cái nhìn về người nhập cư

24/02/2017 15:50 GMT+7

Ngay sau khi nhậm chức vụ mới, chị Trần Thị Hoàng Phượng đã trao đổi với PV Thanh Niên về vai trò Chủ tịch Ủy ban Người nhập cư Đài Loan.

Cảm nghĩ của chị khi được giao chức Chủ tịch Ủy ban Người nhập cư từ Đảng cầm quyền Dân tiến (DPP)?

Tôi rất vui và vinh hạnh được mời đảm nhiệm chức vụ này. Qua đó cũng thấy được người nhập cư mới tại Đài Loan ngày càng được chính quyền coi trọng. Với số ủy viên được bình chọn tham gia vào Ủy ban chiếm hơn một nửa là người nhập cư mới cho thấy chính quyền mong muốn những chính sách mới trong tương lai thật sự có tiếng nói của người nhập cư. 

Với cương vị mới, chị hy vọng sẽ giúp được điều gì cho người nhập cư nói chung và người nhập cư Việt nói riêng?

Theo tôi, chính quyền Đài Loan không những coi trọng tiếng nói của người nhập cư mà còn mong muốn những chính sách trong tương lai thông qua sự đóng góp ý kiến của các thành viên trong Ủy ban sẽ thật sự thiết thực với những nhu cầu của người nhập cư hơn.

m
Chị Trần Thị Hoàng Phượng trong vai trò phát thanh viên tại Đài Loan NVCC

Với vai trò là chủ tịch Ủy ban, tôi hy vọng dùng tiếng nói của mình thay mặt người nhập cư nói chung và người nhập cư Việt Nam nói riêng nói lên những nhu cầu bức thiết cũng như kỳ vọng của họ trong cuộc sống mới tại nơi này, qua đó có thể đưa ra những chính sách chăm sóc thiết thực hơn và tôn trọng hơn đối với người nhập cư.

Chị đánh giá gì những khó khăn và thuận lợi đối với người nhập cư Việt tại Đài Loan hiện nay?

Người nhập cư hiện nay tại Đài Loan đã hòa nhập hơn với cuộc sống tại nơi này, tuy nhiên do vấn đề ngôn ngữ họ vẫn chưa thể tham gia vào mọi lĩnh vực ngành nghề trong xã hội, nhất là những công việc có liên quan đến mặt hành chính. Song cũng chính vì hiện nay Đài Loan đang đẩy mạnh phát triển  “Chính sách hướng Nam mới” đã tạo điều kiện cho việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ cũng như văn hóa của người nhập cư được coi trọng hơn, và nhu cầu học tập tiếng Đông Nam Á cũng cao hơn, nên người nhập cư có nhiều cơ hội giảng dạy tiếng mẹ đẻ cũng như trình diễn nghệ thuật văn hóa của dân tộc.

Với số lượng người di dân và lao động Việt Nam tới Đài Loan sống, học tập và làm việc ngày càng đông, chị nhận thấy các vấn đề chung nhất của họ là gì và làm sao để giải quyết chúng?

Những vấn đề chung nhất mà người di dân và người lao động thường gặp vẫn là rào cản về ngôn ngữ, chính vì ngôn ngữ nên họ bị hạn chế trong nhiều mối giao lưu, hoạt động cũng như trong công việc. Tuy chính quyền Đài Loan trong những năm qua đã dùng nhiều cách thức khác nhau để nâng cao khả năng học tiếng của người nhập cư và người nhập cư cũng đã cố gắng để hòa nhập, nhưng để đạt tới khả năng đưa vai trò người nhập cư lên mức có thể đóng góp cho xã hội trong nhiều vai trò khác nhau.

Tôi nghĩ chính quyền nên dựa vào thế mạnh của họ là khả năng song ngữ hoặc tiếng mẹ đẻ cũng như những khả năng về biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc truyền thống.

Chị Trần Thị Hoàng Phượng (thứ 2 từ trái sang) trong vai trò MC truyền hình tại Đài Loan NVCC

Được biết, chị từng học Luật tại Đại học quốc gia TP.HCM và theo chồng về Đài Loan đã nhiều năm qua và làm giảng viên tiếng Việt tại Đại học chính trị Đài Loan, chị nhận thấy nhu cầu học tiếng Việt tại Đài Loan trong thời gian qua có phát triển mạnh hay không? Và nhu cầu thực tế từ việc học tiếng Việt của người Đài Loan là gì?

Tôi học Luật tại Đại học quốc gia TP.HCM, năm 1994 kết hôn với chồng người Đài Loan và sống tại TP.HCM. Đến năm 2001, hai vợ chồng cùng đưa hai con nhỏ trở về Đài Bắc định cư. Khi tôi đến Đài Bắc định cư nhận thấy thời điểm đó xã hội Đài Loan vẫn chưa tiếp nhận người nhập cư như là một thành viên trong  xã hội. Tôi lo lắng cho hạnh phúc tương lai của các con nếu sống trong môi trường kỳ thị.

Năm 2003, tôi quyết định mở lớp giảng dạy tiếng Trung cho chị em người Việt Nam. Sau đó tôi cho rằng người thân bên chồng của các chị em di dân cũng nên hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của con dâu họ, nên tôi mở lớp học dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người thân của họ. Năm 2006 tôi được mời vào giảng dạy tại trường  Đại học chính trị Đài Loan.

Lúc đầu sinh viên theo học chỉ vì cảm thấy đây là thứ tiếng mới lạ, nhưng dần dần sinh viên bắt đầu ý thức đây là một ngôn ngữ có thể giúp họ hiểu về người nhập cư cũng như lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng như những nhu cầu về tiếng Việt trong công việc. Trong năm qua, sau khi “Chính sách hướng Nam mới” được đẩy mạnh thì lượng người học tiếng Việt không những tăng nhanh trong các trường đại học và các trung tâm ngoại ngữ giảng dạy ngoài giờ mà còn được mở rộng vào các trường trung học và tiểu học.

Chị Trần Thị Hoàng Phượng nhận giải Chuông vàng dành cho Người dẫn chương trình truyền hình hay nhất năm 2015 tại Đài Loan NVCC

Ngoài ra các bà mẹ Việt Nam cũng như gia đình chồng họ trước đây không nghĩ tiếng mẹ đẻ của người nhập cư có thể mang lại cho con em mình một thế mạnh trong tương lai, nhưng dần dần họ đã nhận thấy và bắt đầu khích lệ con em mình học và tiếp cận hơn với văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ. 

Được biết, ngoài giảng dạy, chị còn dành nhiều thời gian cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam, như tham gia talkshow truyền hình… Chị thấy tác động của chúng đối với xã hội ra sao?

Thông qua những chương trình này, tôi mong muốn người dân Đài Loan có cơ hội hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đồng thời thay đổi cái nhìn của họ về người nhập cư mới, để có thể cùng tôn trọng và tiếp nhận sư đa dân tộc và đa văn hóa đã hình thành trong xã hội Đài Loan. Qua đó tôi hy vọng tạo một sân khấu riêng cho người nhập cư để họ có thể thể hiện tâm tư tình cảm của mình cũng như chuyển tải những niềm vui, nỗi buồn, những khát khao trong cuộc sống cho khán giả Việt Nam tại Đài Loan.

Năm mới, chức vụ mới, xin chị chia sẻ ước mơ và các kế hoạch làm việc của mình. Chị có mong đợi sẽ góp phần chung tay xây dựng được cộng đồng Việt ngày càng vững mạnh và có tiếng nói tại Đài Loan không? Và chị sẽ áp dụng những chính sách nào để thúc đẩy điều này?

Tôi mong rằng trong tương lai có thể có nhiều chính sách tạo việc làm thích hợp, cũng như những chương trình giải trí bổ ích hơn dành cho người nhập cư, để người nhập cư không chỉ có cuộc sống vui vẻ, mà còn có thể đem lại sức mình góp phần vào xây dựng một cộng đồng lớn mạnh.

Cám ơn chị rất nhiều và chúc chị thành công hơn nữa.

Chị Trần Thị Hoàng Phượng trong một buổi giảng dạy tiếng Việt tại đại học ở Đài Loan Ảnh: NVCC

Ngoài công việc của một giảng viên đại học, từ năm 2008, chị Trần Thị Hoàng Phượng còn là một người viết, sản xuất và dẫn các chương trình giảng dạy tiếng Việt và tiếng Trung trên Đài truyền hình Đài Loan, như: chương trình giảng dạy tiếng Việt 18 tập Càng nói càng hay, chương trình dạy tiếng Việt 100 tập Mỗi ngày một câu, chương trình dạy thành ngữ tiếng Trung 20 tập Chúng ta cùng học thành ngữ.

Từ năm 2015, chị sản xuất và dẫn chương trình giải trí tiếng Việt đầu tiên với 52 tập Nhịp sống quanh ta dành cho người nhập cư, chương trình này có sự góp mặt đông đảo của các chị em, nghệ sĩ người nhập cư.

Chị Phượng viết và làm người dẫn chương trình phát thanh Vui học tiếng Việt trên Đài phát thanh Giáo dục Đài Bắc. Từ năm 2014, chị bắt đầu làm người dẫn chương trình phát thanh Hạnh phúc Liên hiệp quốc, và nhận giải Chuông vàng (Golden Bell Awards) dành cho người dẫn chương trình hay nhất trong năm 2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.