Chủ tịch UBND phường/xã chịu trách nhiệm nếu để chợ tự phát quanh 3 chợ đầu mối

06/10/2021 14:08 GMT+7

Chủ tịch UBND phường, xã nơi có chợ đầu mối trú đóng chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tái diễn tình trạng phát sinh các điểm kinh doanh tự phát xung quanh.

  1. Đó là một trong những chỉ đạo của UBND TP.HCM gửi đến các sở ban ngành và UBND các quận huyện liên quan hoạt động của 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn.

Theo đó, TP yêu cầu tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh tự phát nông sản, thực phẩm khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối.

Điểm tập kết hàng hóa tại chợ Bình Điền đang có khoảng 120 tấn hàng hóa được đưa về mỗi đêm/ngày

KHẢ Hòa

Cụ thể, căn cứ tình hình hoạt động của 3 chợ đầu mối và kết quả triển khai thí điểm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trong thời gian qua, UBND TP.HCM chỉ đạo UBND TP.Thủ Đức, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn khẩn trương kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn thực phẩm và văn minh đô thị, tụ tập đông người, không đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối.

Phối hợp với Công an TP và các đơn vị có liên quan để kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, nhằm theo dõi, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để có cơ sở xử lý.

“Trong trường hợp nếu để tiếp tục tái diễn tình trạng phát sinh các điểm kinh doanh tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối, Chủ tịch UBND phường/ xã chịu trách nhiệm trực tiếp và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, UBND quận 8, UBND huyện Bình Chánh và UBND huyện Hóc Môn có trách nhiệm giải trình trước UBND TP”, công văn nêu.

Ngày 6.10: Cả nước 4.363 ca Covid-19, 10.033 ca khỏi | TP.HCM 1.960 ca

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường TP thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm các hoạt động không có giấy đăng ký kinh doanh; vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm… đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm xung quanh 3 chợ đầu mối.

Thực tế, các điểm kinh doanh nông sản, thực phẩm tự phát bao quanh 3 chợ đầu mối trên đã diễn ra nhiều năm nay. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, cả 3 chợ đầu mối đều phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch nhưng một số kho, vựa xung quanh chợ vẫn hoạt động. Sau ngày 30.9, TP.HCM nới giãn cách, các điểm kinh doanh này càng hoạt động rầm rộ hơn. Trong khi đó, xe hàng của các thương nhân đưa về điểm tập kết - trung chuyển tại 3 chợ đầu mối phải tuân thủ các quy định nghiêm trong phòng chống dịch, gia tăng nhiều chi phí, thủ tục cho thương nhân (đăng ký xe, người tham gia, xét nghiệm, quét mã QR…), thì các điểm tập kết hàng ngoài khu vực chợ hoạt động không theo sự kiểm soát phòng chống dịch. Thế nên, điểm trung chuyển hàng hóa trong chợ đầu mối hoạt động không hiệu quả, lượng hàng về chợ mỗi đêm có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, hiệu quả phòng chống dịch tại khu vực chợ đầu mối bị ảnh hưởng.

Trước đó, ngày 26.9, Sở Công thương TP.HCM có gửi UBND TP.HCM công văn 4275 đề xuất TP tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh tự phát nông sản, thực phẩm khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.