Chủ tịch VFF - Người & ghế: Tiêu chí kiếm tiền!

12/04/2013 11:17 GMT+7

(TNO) Trong cả một mớ tiêu chí mỹ miều về vị tân chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 7 mà chủ tịch đương nhiệm VFF Nguyễn Trọng Hỷ đưa ra, có một tiêu chí được cho là “rất quan trọng”: Chủ tịch VFF phải biết kiếm tiền.

(TNO) Trong cả một mớ tiêu chí mỹ miều về vị tân chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 7 mà chủ tịch đương nhiệm VFF Nguyễn Trọng Hỷ đưa ra, có một tiêu chí được cho là “rất quan trọng”: Chủ tịch VFF phải biết kiếm tiền.

>> Chủ tịch VFF - Người & ghế: Cởi trói cho “vua”
>> Đề cử các chức danh chủ chốt VFF: Lại những gương mặt cũ
>> 40 ứng viên được đề cử nhân sự chủ chốt VFF

 VFF - Minh Tú TNO
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ (đứng) đã giữ chức trong 2 nhiệm kỳ - Ảnh: Minh Tú 

Thật sự, có cần phải đưa chuyện “kiếm tiền” và coi nó như một trong những tiêu chí sống còn đến thế hay không?

Chúng ta đang sống trong một kỳ bóng đá mà “nỗi ám ảnh đồng tiền” đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất. Vì thiếu tiền mà nhiều đội bóng giải thể, và một bộ phận đội bóng khác đứng trước nguy cơ giải thể. Vì thiếu tiền mà nhiều cầu thủ bị cắt giảm lương, thưởng và nhiều cầu thủ khác phải bỏ nghề đi… bán bánh cuốn, bán hoa quả, thậm chí… chạy taxi.

Vậy nên một VFF làm ra tiền, một nền bóng đá biết bán những “sản phẩm bóng đá” để lấy tiền nuôi bóng đá đang là mong mỏi của tất cả các thần dân bóng đá.

Thử đặt câu hỏi: VFF khóa 5,6 của chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ có thiếu tiền không? Câu trả lời là không, bởi thời ông Hỷ, tiền FIFA rót cho các dự án bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ lớn hơn tất cả các thời kỳ trước đây.

Cũng thời ông Hỷ, VFF có một ông phó tài chính có khả năng kiếm tiền giỏi hơn hẳn các “chuyên gia tài chính” từng hiển hiện trong ngôi nhà VFF trước đây.

Nhưng cứ thử nghĩ xem, tiền FIFA rót cho cho trung tâm đào tạo trẻ của VFF đã được sử dụng và đem lại những hiệu quả nào? Cứ nhìn vào việc VFF phải “mượn” đội U.17 Hoàng Anh Gia Lai đi đá giải Đông Nam Á - bằng chứng điển hình của việc cái trung tâm đào tạo trẻ của mình đã không thể cho ra những “sản phẩm tử tế” là đủ thấy câu trả lời. Và chỉ cần một câu trả lời ở một vụ việc cụ thể ấy thôi là đủ hiểu đồng tiền FIFA đã được sử dụng hiệu quả chưa.

Giờ nói tới chuyện công cụ kiếm tiền. Có trong tay những công cụ kiếm tiền nhưng lại không tạo điều kiện cho nó phát huy tác dụng thì ông chủ tịch VFF coi như thất bại. Nhưng nếu để nó “phát huy tác dụng” tới mức lấn át tất cả, vượt lên tất cả, biến một tổ chức xã hội nghề nghiệp trở thành một tổ chức phảng phất màu sắc độc tài thì ông chủ tịch VFF lại càng khó chấp nhận hơn.

Thật ra trong bất luận hoàn cảnh nào thì bóng đá nói chung và đội tuyển bóng đá quốc gia nói riêng vẫn có một sức hút nhất định, cho nên việc kiếm tiền cho bóng đá không đến nỗi quá khó khăn, bi đát như những gì người ta vẫn kêu ca.

Điều khó khăn nằm ở chỗ: Ông chủ tịch VFF sử dụng những đồng tiền kiếm được như thế nào và ứng xử với những “công cụ kiếm tiền” của mình ra sao? Nếu là người biết sử dụng tiền và những “công cụ kiếm tiền” một cách hợp lý thì đồng tiền có được dù nhỏ nhoi, ít ỏi vẫn có thể phát huy tác dụng. Còn ở chiều ngược lại, những đồng tiền dù có chảy vào như nước thì cũng khó hy vọng những đồng tiền ấy trở nên hiệu quả.

Tóm lại, đừng vì quá ám ảnh bởi đồng tiền mà bắt ông chủ tịch VFF khóa 7 phải là người biết kiếm tiền. Nếu có thể, hãy “bắt” ông ấy phải biết quản lý tiền, quản lý “công cụ kiếm tiền” và quản lý cả cái tư duy… “ngậm miệng ăn tiền”...

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.