Vào thời điểm đặt dấu mốc cho thương hiệu xe hơi VinFast, đại diện VinGroup không giấu mục tiêu chinh phục các thị trường nước ngoài. Bởi với mục tiêu xuất xưởng 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025, thị trường Việt Nam chưa đủ dung lượng để tiêu thụ trong khi sản xuất ít khiến chi phí sản xuất tăng khiến lợi nhuận mỏng, thậm chí lỗ 267 triệu với Lux A2.0, 153 triệu với Lux SA2.0 như công bố của VinFast.
Tuy nhiên, khi tiết lộ mục tiêu cụ thể là xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021 của tỉ phú Phạm Nhật Vượng với tờ Bloomberg vẫn khiến không ít người bất ngờ. Chính tờ Bloomberg cũng phải thừa nhận đây là mục tiêu đầy táo bạo với một công ty mới bán những chiếc xe đầu tiên chưa đầy 6 tháng, điều mà Toyota hay Hyundai trong những ngày đầu bán xe có mơ cũng không dám thực hiện.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế. Đây sẽ là một con đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng chỉ có một con đường là tiến về phía trước”, Bloomberg dẫn lời người đàn ông giàu nhất Việt Nam. Rõ ràng, ngay từ khi quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp ô tô, ông Vượng đã xác định tham vọng không chỉ dừng ở một thương hiệu nội địa, thỏa mãn “cơn khát” của công nghiệp nước nhà mà còn muốn vươn xa hơn nữa nhất là khi chấp nhận bỏ 2 tỉ USD tiền túi hòng đưa VinFast trở thành một thương hiệu quốc tế.
|
Vậy là đã rõ, màn ra mắt hoành tráng tại Paris Motor Show 2018 với hai mẫu xe đầy ắp “chất xám” đến từ châu Âu không phải là con bài để chinh phục thị trường Đông Nam Á mà trực tiếp đánh vào những thị trường đang phát triển như châu Âu, Mỹ. Trong mắt các hãng xe kỳ cựu hay các chuyên gia nghiên cứu thị trường đây là một cách chơi “ngông” của VinFast nói chung hay tỉ phú Phạm Nhật Vượng nói riêng.
Châu Âu, đặc biệt là Mỹ đều là những thị trường khó chen chân, cứ nhìn danh sách xe bán chạy đầy “ổn định” của thị trường này trong nhiều năm qua với bán tải Mỹ, sedan/SUV Nhật, xe sang Đức là đủ thấy khó khăn đến nhường nào. Bản thân thị trường này cũng có tính đào thải rất mạnh như hãng xe có thâm niên như Suzuki bán xe tại Mỹ từ năm 1985 cũng phải nói lời từ biệt vào năm 2012.
Sự khắc nghiệt của thị trường Mỹ cũng là lý do khiến người hàng xóm Trung Quốc phải loanh quanh suốt cả thập kỷ qua vẫn chưa đạt được thành tích nào đáng kể. Mặc dù những cái tên như Guangzhou, Zotye… đổ tiền tấn cho các đại lý, trung tâm nghiên cứu hay có mặt tại các triển lãm xe đình đám thì thị trường Mỹ vẫn là tường thành bất khả xâm phạm với xe Trung Quốc.
|
Nếu so sánh, VinFast còn ở thế yếu hơn so với các đại gia ngành xe Trung Quốc bởi đây đều là những công ty có bệ phóng vững vàng sau hàng chục năm liên doanh với các hãng xe nước ngoài với kinh nghiệm và kỹ thuật cũng như chắc thị phần tại Trung Quốc và tọa lạc ở thiên đường sản xuất, nơi có chuỗi cung ứng phong phú với giá rẻ nhất nhì thế giới.
Trong khi đó VinFast là doanh nghiệp mới dù mua công nghệ châu Âu nhưng với năng lực sản xuất chưa đủ, tỉ lệ nội địa hóa chưa cao khiến giá xe khó cạnh tranh với chính các thương hiệu tên tuổi như Toyota, Honda, Hyundai chứ đừng nói tới xe Trung Quốc nếu bán ra tại châu Âu, Mỹ. Bởi với thuế nhập khẩu ở mức 5-20% tùy linh kiện, VinFast trước hết phải tính đến bài toán tăng tối đa tỉ lệ nội địa hóa và tăng năng suất mới có thể giảm giá thành, yếu tố rất quan trọng với bất kỳ thương hiệu mới nào khi tham gia một thị trường mang tính cạnh tranh cao như Mỹ.
Tất nhiên, dù mới “khởi nghiệp” nhưng với vị thế và nguồn lực của Vingroup, VinFast hẳn có lý do để mơ lớn. Chúng ta cũng có thể hy vọng về một tương lai bắt gặp những chiếc VinFast trên đường phố Las Vegas, New York, Paris, London hay Berlin… Nếu viễn cảnh đó thực sự xảy ra chắc chắn VinFast phải đi trên con đường trải đầy hoa hồng, nhưng là hoa hồng có gai…
Bình luận (0)