Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Hồng Nương (40 tuổi), quản lý khu nhà trọ số 12 đường 20, KP.8, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM tất bật trang trí xóm trọ, không khí tết ở đây ngập tràn. Chị Nương cũng là nhân vật trong bài viết: Chủ nhà trọ ở TP.HCM với quy định 'đặc biệt', khiến nhiều người thuê ở gần chục năm đăng tải trên Báo Thanh Niên.
Mâm cơm thân thương
Sáng 18.1, chị cùng mọi người trong xóm chung tay nấu bữa cơm tất niên ấm cúng. Cả xóm ngồi ăn với nhau sau một năm làm việc vất vả. Ngoài ra, mọi người cũng nhận những phần quà tết ý nghĩa từ chủ trọ cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn Q.Bình Tân.
Clip người thuê trọ cùng nấu cơm tất niên
Chị Nương cho biết, mọi người trong xóm cùng nhau nấu cơm, kho thịt, hầm khổ qua… Chi phí thực hiện do chủ trọ và các đơn vị hỗ trợ. Trước đó, xóm trọ được trang trí đẹp mắt với nhiều tiểu cảnh đặc sắc. Một giáo viên trên địa bàn cũng nhận viết thư pháp gửi tặng bà con.
"Mấy chị em sống với nhau như người trong gia đình, không phân biệt chủ nhà hay người đi thuê. Năm hết tết đến có những người không đủ điều kiện nên ở lại phòng trọ ăn tết. Tôi muốn tổ chức bữa cơm tất niên để ai cũng cảm nhận được không khí yêu thương, sum vầy cũng gia đình", chị Nương cho hay.
Cũng theo người quản lý, hiện có khoảng 180 người đang thuê trọ nhưng số người về quê ăn tết chỉ khoảng 40 người. Nhiều cặp vợ chồng trẻ vào TP.HCM lập nghiệp, kinh tế khó khăn nên đành ở lại để tiết kiệm chi phí. Không chỉ dịp tết mà ngày thường mọi người cần hỗ trợ, chị Nương đều giúp đỡ trong khả năng.
"Các em nhỏ đang ở chỗ tôi đều được học trường công lập, nghỉ tết được mấy ngày. Quê ở xa nên mỗi lần về rất tốn di chuyển, không ai đủ tiền đi máy bay, đó cũng là lý do để mọi người ở lại. Dịp tết này, tôi cũng lì xì mỗi phòng 300.000 – 500.000 đồng động viên tinh thần. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mong muốn lớn nhất của tôi là các con trong xóm đều có tương lai tươi sáng, không phải cực khổ, lam lũ như ba mẹ", người phụ nữ chia sẻ.
Giảm tiền nhà cuối năm
Bà Đặng Thị Xuân (65 tuổi), chủ trọ cũng là mẹ của chị Nương. Bà được mọi người trong xóm gọi cái tên thân thương là "bà ngoại", gọi chị Nương là "chị hai".
Vợ chồng anh Phạm Văn Cường (33 tuổi, quê ở Đăk Lăk) thuê trọ ở nhà chị Nương 5 năm nay. Những ngày cuối năm, anh vẫn tranh thủ may quần áo để kịp có đủ hàng giao cho khách.
"Tôi thấy ấm lòng khi mọi người trong xóm sum họp, quây quần bên nhau. Điều này cũng giúp những người xa quê bớt tủi thân. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới chị hai vì đã nấu bữa cơm tất niên tuyệt vời, năm nào nhà trọ cũng tổ chức như vậy. Tôi gọi người quản lý là chị hai vì thương những người đi thuê như người nhà. Ở xa tôi muốn nói với ba mẹ rằng, năm nay khó khăn không về quê ăn tết, nhất định năm sau sẽ về bên gia đình", anh Cường trải lòng.
Chị Phạm Thị Thu Thảo (33 tuổi, quê ở Gia Lai) phụ trách món bò né trong bữa cơm tất niên. Dịp cuối năm, chủ trọ cũng gửi tặng dầu ăn, nước mắm… và giảm 500.000 đồng tiền nhà cho người thuê.
"Bà ngoại thân thiện như bà của tôi ở quê nên mọi người trong xóm hay gọi như vậy. Bữa cơm rất ý nghĩa, mọi người trong dãy trọ quây quần bên nhau. Tôi ở nhà trọ này đã 7 năm, năm nào cũng có bữa cơm tất niên vui vẻ. Điều này giúp chúng tôi tận hưởng không khí tết tràn ngập, ai cũng háo hức đón chờ năm mới. Năm nay, tôi đi xe máy về quê với khoảng 15 giờ di chuyển. Vé xé tăng giá, vợ chồng làm ăn không được suôn sẻ nên quyết định đi xe máy dù biết quãng đường xa, vất vả", chị Thảo bày tỏ.
Bà chủ xóm trọ hơn 100 phòng tổ chức tiệc tất niên cho người thuê
Bình luận (0)