Thông tin về chỉ đạo trên được đăng tải trong bài Đi 20 km đóng học phí do không dùng tiền mặt! trên Thanh Niên ngày 12.9.
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng hạn chế dùng tiền mặt là chủ trương đúng, kể cả khi đóng học phí. Tuy nhiên, cần phải tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện; không nên gây khó khăn, đặc biệt với những người chưa tiếp xúc với các dịch vụ...
Chưa phù hợp với thực tế địa phương
Theo ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, sở dĩ có chỉ đạo nêu trên vì thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở thực hiện. “Theo tôi được biết thì Sở GD-ĐT Bến Tre là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai chủ trương này. Cũng vì địa phương tiên phong nên việc gặp các khó khăn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng đắn phù hợp với xu hướng toàn cầu nên chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện”, ông Bửu nói.
BĐ Trần Ngọc Hoàng Mai (Tiền Giang) không đồng tình với ý kiến của ông Bửu. “Một việc làm máy móc thiếu sâu sát với dân nghèo của cán bộ Sở GD-ĐT nơi đây. Khi một quy định đưa ra phải tùy thuộc vào hoàn cảnh địa bàn và dân cư, dân trí từng vùng. Anh cán bộ không thể cứ thích làm là làm được...”, BĐ Hoàng Mai đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, BĐ Nguyễn Phúc Chung (Ninh Thuận) phân tích: “Đi đóng học phí mất hết một buổi. Công nhật hiện nay (tạm tính) 300.000 đồng. Vậy chi phí đóng học phí phải hơn 150.000 đồng; chưa nói đến tiêu hao sức khỏe” và khuyến cáo: “Muốn áp dụng công nghệ thì cơ sở hạ tầng phải đáp ứng; người dân sẽ chọn cách nào họ thấy tiện nhất”.
Trong khi đó, BĐ Hữu Hà (TP.HCM) bức xúc: “Chủ trương đúng nhưng phải linh động, chứ cứ khăng khăng đòi “đúng quy trình” thì hóa ra cứng nhắc và vô lý”.
Phải đặt lợi ích của dân lên trước!
Theo BĐ Việt Linh (TP.HCM), nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan công quyền là phải phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. “Văn minh không phải là bắt chước, càng không phải là rập khuôn. Cách văn minh nhất là làm điều tốt, hiệu quả, lợi ích cho người dân tùy theo hoàn cảnh cụ thể và năng lực cụ thể”, BĐ này viết.
Trong khi đó, BĐ Duy Linh (Long An) chia sẻ: “Đâu phải ai cũng rành công nghệ. Trường cách nhà chỉ có 1 km, ngân hàng thì cách 20 km. Mỗi lần ra ngân hàng, người dân thêm chi phí xăng cộ; mà phải đóng theo tháng, tháng nào cũng phải đi như vậy tính ra biết bao nhiêu tiền... Hạn chế dùng tiền mặt cũng có cái tiện lợi, nhưng quy định phải khảo sát thực tế. Nên chăng ai đóng tiền mặt được thì đóng, ai đóng chuyển khoản ngân hàng thì đóng. Đừng ép buộc người dân như vậy”.
BĐ Anh Tuấn (TP.HCM) “chốt”: “Quá bất cập! Đừng làm khó người dân khi họ không có điều kiện tiếp cận thông tin hoặc sử dụng những dịch vụ mà họ không cần tới. Lỡ như tài khoản bị lợi dụng lấy hết tiền mà người dân không biết thì lỗi của ai...”.
Đóng tiền qua thẻ tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng đừng chỉ định một ngân hàng để bắt buộc người dân phải mở tài khoản, rất nghịch lý. Như thế sẽ phát sinh “tài khoản rác”. Giả sử gia đình có 3 người con đi học, mỗi trường dùng một ngân hàng riêng, như vậy sẽ phát sinh ra 3 thẻ, tài khoản. Chưa tính đến lương trả qua một tài khoản khác của phụ huynh.
Quang Đức (TP.HCM)
Lấy tiền mặt đi mua thẻ cào rồi nạp vào tài khoản chuyển tiền vào tài khoản trường, hoặc đem tiền mặt lên ngân hàng đóng thì khác nào đem tiền mặt lên trường đóng? Sao rắc rối vậy?
Vương Hoàng Linh (TP.HCM)
|
Bình luận (0)