Cua gầm cầu
|
Tới Seoul (Hàn Quốc), phải ăn gà hầm sâm. Tới Tokyo (Nhật Bản), phải xếp hàng ăn mì ramen; đến Hakone, hãy ăn trứng gà luộc ở suối khoáng nóng trên miệng núi lửa Owakudani để mong sống thọ thêm 7 năm; đến Kobe phải ăn thịt bò. Còn đã ghé Tel Aviv (Israel), phải ăn bánh mì falafel... Không nhiều điểm đến trên thế giới có những thứ “phải ăn” một lần trong đời như vậy. Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc trong chuyến đi cùng chúng tôi để khảo sát nhà máy sản xuất gia vị nổi tiếng Lee Kum Kee của Hồng Kông đã một mực tìm đường đến khu Wanchai để ăn… cua gầm cầu. Võ Quốc còn nói, chưa ăn cua gầm cầu, chưa đến Hồng Kông. Gõ cụm từ Under Bridge Spicy Crab hoặc cua gầm cầu lên Google, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều kết quả. Cua gầm cầu nổi tiếng đến độ, trang tư vấn du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới TripAdvisor có tới hàng trăm lời bình của độc giả mà gần như 100% trong số đó đều khen theo kiểu “Best crab ever eaten” (cua ngon nhất đã từng ăn).
Sở dĩ có tên cua gầm cầu vì quán nằm gần dưới gầm một cây cầu vượt. Đến quán vào giờ cao điểm trưa và tối, nếu không đặt bàn trước, bạn sẽ không có cơ hội thưởng thức. Cua gầm cầu ngon vì cách chế biến có nhiều gia vị khiến cả thịt cua lẫn hành tỏi và nước xốt ăn kèm đều ngon ngất ngây. Ẩm thực truyền thống người Hoa phụ thuộc vào gia vị chế biến thức ăn và nước xốt. Mỗi loại gia vị và xốt là một câu chuyện lịch sử, gắn liền với sự phát triển từ một cơ sở sản xuất mang tính gia đình nhỏ lẻ ở ven biển Hồng Kông đến một công ty toàn cầu, khi sản phẩm đã có mặt ở 120 thị trường trên thế giới và xây dựng nhà máy chế biến ở nhiều quốc gia. Các sản phẩm của Lee Kum Kee từng hai lần theo các phi hành gia tàu Thần Châu bay vào vũ trụ. Ở Việt Nam, Lee Kum Kee có từ hơn 50 năm trước, nổi tiếng với xốt dầu hào.
Món ăn đường phố
Đường phố chính là nơi du khách có thể khám phá sự hấp dẫn của ẩm thực bản địa. Tôi từng nhiều ngày lang thang ở Berlin (Đức) và cảm nhận được món ăn đường phố tuyệt vời như thế nào. Nước Đức nổi tiếng với xúc xích. Tuy nhiên, xúc xích ăn kèm với cà ri (currywurst) lại là một món ăn rất đặc biệt, phổ biến đến nỗi có cả một bảo tàng currywurst. Còn đến Paris (Pháp), ngoài các thể loại bánh nóng bán khắp các vỉa hè, giá bán tùy thuộc vào việc bạn ngồi lại hay cầm đi (ngồi lại sẽ đắt hơn) thì chẳng gì ngon bằng ăn bánh kếp (crêpe) nóng xen lẫn kem lạnh bên trong. Ở Paris, bạn cũng nên mua vài túi hạt dẻ bán rong trên lò than đỏ lửa. Vừa dạo bước ngắm những con phố cổ kính, vừa nhâm nhi hạt dẻ nóng trong cái lạnh se sắt Paris càng thêm tuyệt.
Hàn Quốc cũng có nhiều món ăn đường phố hấp dẫn, đặc biệt là món sundae (giống món dồi heo ở Việt Nam) và món gopchang (làm từ ruột non bò). Các nước Đông Nam Á cũng sở hữu nhiều món ăn đường phố được khách ưa thích. Như phở, bánh mì thịt Việt Nam được đưa vào danh sách những món ăn đường phố ngon nhất quả đất. Hay ở Campuchia, món nhện skuon, bò cạp, cà cuống, bọ xít… thử thách sự dũng cảm của du khách. Ở Bangkok (Thái Lan), lần nào đến tôi cũng ghé vào quán ăn trong hẻm gần Trung tâm mua sắm Silom để nhâm nhi rau muống xào tương, cá chưng, pad Thái.
Nguyễn Trần Tâm
>> Hoa anh đào Nhật Bản bừng sáng ở Hạ Long
>> Việt Nam - Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược sâu rộng
Bình luận (0)