Chưa bầu mới Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND tối cao tại kỳ họp Quốc hội tháng 3

15/03/2021 16:58 GMT+7

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao là 2 chức danh chưa kiện toàn tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa 14 diễn ra từ 24.3 tới đây.

Sáng 15.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 54 cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp 11, Quốc hội khóa 14.
Cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp 11 được gửi tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rà soát lại vì trong chương trình dự kiến thì thấy có việc miễn nhiệm và bầu mới Chánh  án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
"Đợt này chưa thực hiện bầu, miễn nhiệm với các chức danh đó", ông Tùng thông tin.
Theo chương trình dự kiến, trong sáng 5.4, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao. 
Trong chiều 5.4, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao. Việc bầu các chức danh nêu trên được tiến hành vào sáng 6.4 bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Hiện tại, người giữ chức danh Chánh án TAND tối cao là ông Nguyễn Hòa Bình. Ông Bình 58 tuổi, quê quán Quảng Ngãi, phó giáo sư, tiến sĩ luật, Đại học An ninh. Ông Bình là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa XI, XII, XIII; Bí thư T.Ư Đảng khóa XII. Tại Đại hội XIII vừa qua, ông Bình được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII. Ông Bình giữ chức danh Chánh án TAND tối cao từ năm 2016. 
Người giữ chức danh Viện trưởng Viện KSND tối cao là ông Lê Minh Trí. Ông Trí 60 tuổi, quê tại TP.HCM, trình độ Đại học An ninh, cử nhân luật. Ông Trí là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, giữ chức danh Viện trưởng VKSND tối cao từ năm 2016. Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Trí là một trong các trường hợp đặc biệt tái cử T.Ư khóa XIII.

Giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bầu làm Chủ tịch nước

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh góp ý, trình tự miễn nhiệm và bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cần xem xét lại.
Theo bà Anh, theo chương trình dự kiến, việc miễn nhiệm, bầu mới Chủ tịch nước sẽ làm trước rồi mới đến chức danh Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội XIII. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu bầu Chủ tịch nước

Ảnh Gia Hân

Tuy nhiên, theo bà Anh, người được giới thiệu bầu Chủ tịch nước là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm. Do đó, nêu theo cách sắp xếp này, ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức Chủ tịch nước sẽ trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tức là chính ông Phúc.
Giải thích vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc trình miễn nhiệm và bầu là các chức danh nhà nước chứ không phải là cá nhân nhân sự cụ thể. Bên cạnh đó, mặc dù tờ trình là Chủ tịch nước trình nhưng người đọc tờ trình sẽ là Phó chủ tịch nước.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chiều 15.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có một phiên riêng để bàn về vấn đề nhân sự, khi đó sẽ bàn kỹ xem trình tự thế nào thì đúng luật.

"Sau khi công tác nhân sự rồi thì mới điều chỉnh chương trình kỳ họp. Trước khi ký sẽ gửi các Ủy viên Thường vụ Quốc hội xem lại một lần nữa coi có phát hiện bất hợp lý hay chưa rồi mới tập hợp lại báo cáo xin ý kiến Quốc hội", bà Ngân kết luận.

 
Theo chương trình dự kiến, trong buổi chiều 1.4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng hình thức bỏ phiếu kín.
 
Sáng ngày tiếp theo, 2.4, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu vào sáng cùng ngày.
Trong chiều 2.4, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngay sau đó, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng mới. Việc bầu Thủ tướng Chính phủ sẽ được tiến hành vào sáng 5.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.