Đỡ đẻ ngay khu sàng lọc
12 giờ 40 phút, ngày 13.8, sản phụ T. (23 tuổi, ở P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) vừa nhập viện tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện (BV) T.Ư Huế (thuộc chi nhánh 1) thì lập tức chuyển dạ và sinh bé gái ngay tại khu sàng lọc.
Qua khai thác dịch tễ, mẹ sản phụ này có lịch sử đi từ vùng dịch Quảng Trị vào Huế cách đó 3 ngày. Dù đã phân tuyến bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, được tiếp nhận tại cơ sở 2 (ở H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) của BV, nhưng trước tình huống không thể trì hoãn này, các y bác sĩ vẫn phải lập tức thực hiện hộ sinh để cháu bé chào đời mẹ tròn con vuông.
Một ê kíp y bác sĩ sản khoa lập tức được điều đến để hộ sinh. Còn bộ phận sàng lọc vẫn phải tiến hành lấy mẫu test nhanh đối với 2 mẹ con sản phụ, đồng thời làm xét nghiệm PCR Covid-19. Ca hộ sinh được mẹ tròn con vuông, mẹ con sản phụ T. đã được chuyển ra cơ sở 2 của BV để tiếp tục theo dõi.
TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc BV T.Ư Huế, cho biết để phòng chống dịch Covid-19, BV T.Ư đã thành lập Trung tâm sàng lọc, cách ly ngay tại khoa cấp cứu. BV đã trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men, vật tư y tế... đáp ứng điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kể cả trong trường hợp cần thiết phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm PCR Covid-19 để kịp thời cứu chữa bệnh nhân.
Tại đây, các bệnh nhân sau khi có kết quả xét nghiệm PCR nếu âm tính (-) sẽ chuyển đến khoa chuyên ngành tiếp tục điều trị; trường hợp dương tính (+) sẽ phối hợp với CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế khoanh vùng, truy vết và chuyển cơ sở 2 để cách ly và điều trị. Ngoài ra, các bệnh nhân đến từ vùng dịch, sau khi sàng lọc cũng được chuyển ra BV T.Ư Huế cơ sở 2 để điều trị. BV cũng đã phối hợp với Bảo hiểm y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế để tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho bệnh nhân.
|
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Sỹ Phương, Trưởng khoa Phụ sản BV T.Ư Huế, cho biết từ ngày 9.8 đến nay, khoa tiếp nhận 80 sản phụ nhập viện chờ sinh, bình quân mỗi ngày có 8 cháu bé ra đời ngay tại khu sàng lọc khoa cấp cứu của BV. Nhiều trường hợp sản phụ sau khi sinh xong, được khoa sắp xếp chuyển ra cơ sở 2 của BV do đến từ vùng dịch.
Phẫu thuật cho những trái tim non
“Tụi mình giai đoạn này không có thời gian để ngồi ăn bữa cơm như bình thường”, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm tim mạch, BV T.Ư Huế, nói khi tiếp chúng tôi vội vã ngay hành lang của khu phẫu thuật. Anh vừa cùng ê kíp ở Trung tâm tim mạch thực hiện cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân Phan N.N (8 tháng tuổi, đến từ Hà Tĩnh) mắc bệnh tim rất hiếm, bệnh Pulmonary artery sling, có tỷ lệ 4% các bất thường mạch máu.
“Thời điểm này, trung tâm đã ngưng những cuộc mổ thường quy các bệnh thông thường để tập trung chống dịch. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân nặng cần phải mổ cấp cứu như trường hợp trên, trung tâm vẫn duy trì để cứu chữa kịp thời”, bác sĩ Trần Hoài Ân cho biết.
|
Cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh với tổn thương động mạch phổi trái xuất phát từ động mạch phổi phải, đi qua giữa thực quản và khí quản gây hẹp khí quản. Trẻ mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng khó thở, thở khò khè, viêm đường hô hấp tái diễn từ lúc mới sinh, điều trị nội khoa nhiều lần không đáp ứng. Các trường hợp này cần phải phẫu thuật sớm, vì trẻ thường tử vong sau 1 năm tuổi nếu không được phẫu thuật”, bác sĩ Ân chia sẻ. “Đây là một phẫu thuật ít gặp và cũng ít trung tâm ở Việt Nam có thể chẩn đoán và phẫu thuật được. Điểm phức tạp của phẫu thuật này là tổn thương vừa ở động mạch phổi và vừa ở khí quản”, bác sĩ Ân cho biết thêm.
Cùng phòng bệnh với cháu N. có cháu Nguyễn H.T.Y (2 tuổi, đến từ Đà Nẵng) cũng mắc bệnh tim phức tạp vừa được phẫu thuật trước đó ít ngày. “Sau mổ, bệnh diễn tiến thuận lợi nhưng đến ngày thứ 3 thì xuất hiện suy tim cấp, tụt huyết áp. Chúng tôi đã quyết định chạy ECMO (hỗ trợ tuần hoàn bằng trao đổi ô xy qua màng) cho cháu bé và sau 3 ngày cháu mới cải thiện tình trạng suy tim. Đến nay, cháu đã khỏe, hồng hào, ăn uống tốt”, bác sĩ Ân cho biết.
“Trước mổ, cháu luôn trong tình trạng khó thở và rất tím tái. Giờ nhìn cháu tươi khỏe như vậy tôi không nghĩ cháu đã được cứu”, mẹ cháu Y. tâm sự. Theo bác sĩ Ân, trường hợp này cuộc mổ rất tốn kém vì phải dùng các trang thiết bị đắt tiền nhưng nhờ sự tài trợ của các nhà hảo tâm, thông qua các tổ chức từ thiện, ca mổ đã được thực hiện miễn phí hoàn toàn.
“Thời điểm này, các y bác sĩ phải làm nhiệm vụ kép vừa chữa bệnh vừa chống dịch Covid-19, nên thời gian và khối lượng công việc đều tăng gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, nhận thức được trách nhiệm và thiên chức của người thầy thuốc, đội ngũ y bác sĩ vẫn ngày đêm cống hiến vì sức khỏe của bệnh nhân và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”, TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó giám đốc BV T.Ư Huế, cho biết.
|
Bình luận (0)