Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đã ký báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, 14 thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Theo báo cáo, Chính phủ khẳng định, một trong những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội là chưa thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27 năm 2018 của Ban Chấp hành T.Ư, Hội nghị T.Ư 7 khóa XII.
Theo Nghị quyết 27, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước xây dựng văn bản quy định chế độ tiền lương mới báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định trước khi ban hành, để từ năm 2021 thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Báo cáo thêm về tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách tiền lương, Chính phủ cho biết, đã ban hành Nghị quyết số 107 ngày 16.8.2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27, trong đó đã phân công các bộ, cơ quan ở T.Ư triển khai thực hiện việc xây dựng chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan được phân công thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc hoặc ban soạn thảo và tổ biên tập cải cách chính sách tiền lương, triển khai xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực.
Cần có lộ trình cải cách tiền lương phù hợp
Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo Bộ Chính trị về xây dựng cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và dự thảo thuyết minh thiết kế bảng lương mới năm 2021, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan ở T.Ư và các tỉnh ủy, thành ủy; đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng quy định cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, các giải pháp tài chính, ngân sách để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.
Ban Tổ chức T.Ư cũng xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị và hệ thống vị trí việc làm.
Sau khi tổng hợp các báo cáo của Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Tài chính và ý kiến tham gia của các cơ quan ở T.Ư và địa phương về các dự thảo quy định cụ thể chế độ tiền lương mới, Chính phủ xem xét trình Bộ Chính trị về các quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách nhà nước.
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới. Cụ thể: Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và khả năng cân đối nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lao động trong doanh nghiệp đã trình Hội nghị T.Ư 7 khóa XII.
“Từ những khó khăn nêu trên, Ban Cán sự đảng Chính phủ đang nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến về lộ trình cải cách tiền lương cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước”, báo cáo cho hay.
Bình luận (0)