Chưa cần thiết đầu tư thêm sản xuất thép

27/05/2019 06:55 GMT+7

Nhiều sản phẩm thép trong nước đã dư thừa nên phải thận trọng xem xét cấp phép đầu tư các dự án mới.

Nguồn cung thép dư thừa

Sản phẩm dư thừa không chỉ khiến các DN trong nước có nguy cơ phá sản mà điều đó cũng đưa lại hậu quả chung cho nền kinh tế. Tương tự như việc sản phẩm Trung Quốc mượn xuất xứ VN sẽ đưa đến nguy cơ ngành hàng của VN cũng bị áp thuế phòng vệ thương mại.
PGS-TS Ngô Trí Long
Sau khi nhận được đơn yêu cầu xem xét của các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép không gỉ xoay quanh dự án đầu tư nhà máy sản xuất của Công ty YongJin Metal tại Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang (Thanh Niên đã có bài phản ánh ngày 17.5), Hiệp hội Thép VN (VSA) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Theo VSA, đặc điểm nổi bật của ngành thép toàn cầu, trong đó có VN là dư thừa nguồn cung thép trên thế giới luôn gây ra sự bất ổn của thị trường thép. Các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ thương mại, chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế... đã được áp dụng đồng loạt ở các quốc gia đối với các sản phẩm thép có xuất xứ Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện tái cấu trúc ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra ngoài nước, trong đó có khu vực ASEAN và VN. Vì vậy việc Công ty YongJin Metal hai lần xin phép đầu tư tại Đồng Nai vào năm 2017 và 2018 nhưng bị từ chối và chỉ sau 8 tháng công ty này đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tại Tiền Giang là một hiện tượng lẩn tránh đầu tư. Hiệp hội nhất trí với kiến nghị của các nhà sản xuất về việc xem xét đánh giá tác động của việc cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty YongJin Metal, để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước.
Trên thực tế, tại VN hầu hết các sản phẩm thép khác đều đáp ứng được nhu cầu, hoặc cung đã vượt cầu. Ví dụ ước tính tổng công suất thép xây dựng của cả nước hiện ở mức khoảng 18 triệu tấn thì mức tiêu thụ năm vừa qua chỉ khoảng trên 10 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ cán nguội trong nước chỉ ở mức khoảng 500.000 tấn/năm trong khi khả năng cung cấp của các dự án đang hoạt động lên hơn 700.000 tấn/năm. Theo thống kê, các nhà máy sản xuất có tỷ lệ hoạt động trong quý 1/2019 chỉ khoảng 50%. Dự kiến vào cuối năm nay khi Nhà máy Nguyễn Minh đi vào hoạt động, tổng sản lượng có thể cung cấp ra thị trường lên đến trên 900.000 tấn. Khi đó tình hình cung vượt cầu càng nghiêm trọng hơn. Còn theo thống kê chung từ VSA, các DN trong nước mới chỉ sản xuất đạt trung bình 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới là khoảng 76,9%.

Kiến nghị không cấp phép đầu tư mới

Báo cáo của VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm trong nước đã dư thừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay các sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ và sơn phủ màu. Chỉ khuyến khích DN đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu,
ô tô... mà trong nước chưa sản xuất được. “Các khu công nghiệp tại các tỉnh khi tiến hành cấp giấy phép đầu tư dự án cần tham khảo thêm ý kiến các cơ quan trung ương cũng như hiệp hội ngành hàng để tránh tình trạng nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp phép bị từ chối chạy sang tỉnh khác để xin chủ trương đầu tư tiếp. Điều này sẽ gây bất ổn chung đến thị trường hàng hóa VN, trong đó có thị trường thép không gỉ”, báo cáo của VSA nêu rõ.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định việc cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài đối với những ngành hàng đã dư thừa công suất như sắt thép cần phải thận trọng. Ngoài việc các địa phương cần phải tham khảo thêm thông tin từ trung ương và các hiệp hội ngành hàng thì việc quản lý chung, công bố thông tin chi tiết cũng phải được thực hiện xuyên suốt. Việc cấp phép đầu tư ồ ạt sẽ càng khiến cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường thiếu lành mạnh, gây tổn thất cho các DN đang hoạt động. Tình trạng các sản phẩm từ Trung Quốc đang tìm đường lách để thay đổi xuất xứ nhằm tránh thuế phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang các nước đã được cảnh báo nhiều lần. Do đó, dù đã phân quyền cấp phép cho các địa phương nhưng các bộ quản lý chuyên ngành cũng phải công bố thông tin cảnh báo. Nếu để việc cấp phép đầu tư ồ ạt diễn ra ở nhiều địa phương thì các bộ ngành quản lý hàng dọc cũng phải chịu trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.