Chưa có khuyến mãi 'sốc' trong ngày mua sắm qua mạng

08/09/2018 15:04 GMT+7

Hôm qua 7.9, ngày hội mua sắm mùa thu Online Friday do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức được nhiều người kỳ vọng sẽ đón nhận cơn mưa giảm giá “khủng” bởi trần khuyến mãi 50% đã được tháo bỏ với các chương trình do cơ quan nhà nước tổ chức. Thế nhưng thực tế không phải như vậy.

Hàng 0 đồng là số hiếm
Được khuyến mãi tới 100% nhưng hầu hết các sản phẩm vẫn chỉ có mức giảm dưới 50% như thông thường. Ví dụ giày chạy bộ EB 176 giảm từ 240.000 đồng/đôi xuống còn 175.000 đồng/đôi; máy chạy bộ DL 0946 giảm từ 2,95 triệu đồng xuống còn 2,5 triệu đồng/chiếc... mức giảm chỉ từ 15 - 30%. Một số sản phẩm có mức giảm mạnh  như 1.000 xe đạp điện Anbico AP 1503 được bán giá 5,9 triệu đồng, trong khi giá thị trường của xe này gần 10 triệu đồng/chiếc, tương đương mức giảm khoảng 40%...
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tung ra một số sản phẩm được bán giá 0 đồng nhưng số lượng chỉ có 1-2 cái. Người tham gia phải tải ứng dụng về điện thoại, quét mã QR để thử vận may… như chơi trò rút thăm trúng thưởng. Đơn cử điện thoại Oppo đưa ra khoảng 4-5 mẫu khác nhau và mỗi loại chỉ có một sản phẩm có giá 0 đồng. Anh Hùng tại quận 3, TP.HCM cho biết anh đã canh từ đầu ngày 7.9 với hy vọng mua được chiếc điện thoại Oppo F3 với giá 0 đồng nhưng cơ hội không lọt vào tay anh bởi chỉ riêng trong sáng 7.9 đã có cả ngàn người quét mã QR. Nếu không được, khách hàng có thể mua điện thoại này giá 3,79 triệu đồng và được tặng kèm bao da chính hãng. Tuy nhiên theo anh Hùng, giá sản phẩm trên hiện được bán tại trang Tiki.vn cũng chỉ có giá 3,99 triệu đồng thì mức giảm trong ngày Online Friday là không quá khác biệt.
Tương tự, cơ hội săn vé máy bay nội địa và quốc tế giá 0 đồng cũng quá khó khi chỉ có mỗi loại một cặp vé được khuyến mãi khủng. Chị Hương tại TP.HCM thử tham gia và quét mã vạch cả trăm lần nhưng đều báo không trúng nên bỏ cuộc và cũng không hào hứng tham gia mua hàng. “Những sản phẩm khác như mỹ phẩm, quần áo, hàng gia dụng… cũng chỉ giảm như mức thông thường, không quá khủng như mình tưởng tượng. Trong khi đó, một số trang bán hàng online lớn đều có chương trình giảm giá thường xuyên. Vì vậy ngày mua sắm Online Friday cũng chưa quá hấp dẫn”, chị Hương chia sẻ thêm.
Cần chất hơn giá?
Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ giảm giá tối đa 50% trong tháng bán hàng khuyến mãi này Ngọc Dương
Điều đáng nói là nhiều năm nay, các doanh nghiệp luôn thể hiện mong muốn được nhà nước tháo trần khuyến mãi 50% để kích thích sức mua. Thế nhưng tại Online Friday hay tháng bán hàng khuyến mãi trong tháng 9 này lại hiếm doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi lớn dù trần đã được dỡ bỏ.
Một doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang tại TP.HCM thừa nhận phải chờ quan sát thị trường thế nào vì đột nhiên giảm mạnh chưa chắc có hiệu quả. Trong khi đó, tâm lý nhiều người dùng sẽ tỏ ra nghi ngờ liệu chất lượng có đảm bảo hay không khi hàng giảm giá sốc? Doanh nghiệp đó có phải đã tăng giá trước đó mới giảm mạnh hay không…
Phân tích thêm về vấn đề này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng niềm tin của người dùng Việt Nam vào các chương trình giảm giá trong nước rất thấp. Trên thực tế các chiêu trò nâng giá trước giảm sau, trộn hàng dỏm, hàng kém chất lượng, khuyến mãi “ảo”, nói mà không làm… đã xuất hiện nhiều. Ông Phú ví dụ, một người quen nhà ông ở Hà Nội mới đây đã mua hàng có thẻ cào khuyến mãi với kết quả thông báo trúng 5.000 đồng nhưng phải vào tận Sài Gòn để nhận giải. Hoặc như có một doanh nghiệp quy mô không lớn nhưng công bố tổng giá trị chương trình khuyến mãi lên hơn 75 tỉ đồng. Kết quả sau đó có ai trúng không? Số giải thưởng đó như thế nào thì không công khai.
"Các doanh nghiệp bán hàng giảm giá mà như đánh đố người dùng. Khách hàng thấy lọt vào ma trận khuyến mãi nên dần dần mất niềm tin là điều dễ hiểu. Việc này sẽ làm thiệt hại lớn cho ngành bán lẻ của Việt Nam"- ông Phú nói. Ví dụ như bản thân ông cũng chưa thấy công bố nào về vệc giải thưởng khuyến mãi không có người trúng thì doanh nghiệp đó đã nộp 50% giá trị sản phẩm vào kho bạc nhà nước theo quy định. Sau ngày mua sắm online, ban tổ chức cần nêu rõ những đơn vị nào có vi phạm các quy định hay không? Những khách hàng đã mua được sản phẩm giá 0 đồng là ai? Người tiêu dùng đã được lợi như thế nào khi mua sắm trong ngày này…
“Việc nâng trần khuyến mãi của nhà nước là cần thiết, có hiệu quả nhưng chưa lớn. Ngày nay, khách mua hàng cần chất lượng hàng hóa đảm bảo, tương xứng với số tiền họ phải bỏ ra chứ không phải chỉ quan tâm giá thấp hay cao. Vì vậy bản thân các doanh nghiệp phải công khai rõ ràng khi thực hiện khuyến mãi. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải giám sát và minh bạch chi tiết về các chương trình thực hiện. Làm như vậy thì những chương trình sau mới thu hút được khách hàng tham gia nhiều hơn”,ông Phú chia sẻ thêm.
Theo Ban tổ chức ngày Online Friday mùa thu, có hơn 5.000 sản phẩm thuộc 9 ngành hàng mua sắm nổi bật như làm đẹp, thời trang, sức khỏe, gia đình, du lịch, thiết bị công nghệ… được doanh nghiệp đưa vào tham gia. Tất cả sản phẩm đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện hàng chính hãng, có nguồn gốc - xuất xứ rõ ràng cũng như chất lượng phải luôn được đảm bảo. Các chương trình khuyến mãi áp dụng phải rõ ràng, cam kết không tăng giá niêm yết trước khi giảm. Mục tiêu năm nay hướng đến doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng với 2 triệu đơn hàng. Tuy nhiên đến trưa 8.9, kết quả chương trình vẫn chưa được công bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.