Chiều 24.4, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật Đường sắt. Báo cáo chỉ rõ, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia còn chắp vá, chưa đồng bộ, tốc độ chạy tàu hạn chế, năng lực thông qua thấp…
Đặc biệt, từ khi luật Đường sắt 2017 có hiệu lực, chưa có thêm km đường sắt quốc gia nào được xây dựng thêm.
Một phần nguyên nhân do nguồn vốn đầu tư hạ tầng đường sắt rất thấp. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt 2017 - 2030 tầm nhìn đến 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt đến năm 2030 là 240.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế, vốn ngân sách bố trí cho đầu tư đường sắt chỉ là 14.025 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu.
Với đường sắt đô thị, hiện chỉ có Hà Nội và TP.HCM đã và đang đầu tư, nhưng mới chỉ một tuyến là Cát Linh - Hà Đông khai thác.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, quy hoạch của Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, cần đến hơn 30 tỉ USD đầu tư. Để huy động vốn, có thể khai thác nguồn lực từ quỹ đất thông qua áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với đầu mối giao thông (TOD). Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế cụ thể về mô hình này.
"Cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đặc thù, cơ chế, chính sách ưu đãi để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Như cơ chế khai thác hiệu quả nguồn lực thông qua áp dụng mô hình TOD để huy động nguồn vốn", ông Tuấn nêu.
Cho rằng có 5 dự án đường sắt đô thị do Hà Nội, TP.HCM đang xây dựng, nhưng mới chỉ một tuyến khai thác được, theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng tắc do cùng một vấn đề. Ông Cường đề nghị cần quy định cụ thể cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn cho đầu tư đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, đặc biệt là hình thức đầu tư PPP.
Ngân sách nhà nước và vốn ODA vẫn chủ đạo
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc sửa đổi luật Đường sắt là cần thiết. Đồng thời, phải đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp, khai thác vận tải đường sắt.
Về kết cấu hạ tầng đường sắt, cần bổ sung các quy định về mô hình phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông (TOD); phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt vùng…
Về công nghiệp, phương tiện giao thông đường sắt, cần xây dựng cơ chế đặt hàng cho một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược; nội địa hóa, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư đường sắt, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh, nguồn vốn ngân sách nhà nước và ODA vẫn là chủ đạo. Các nguồn vốn khác như xã hội hóa, khai thác quỹ đất quanh ga, khai thác mô hình TOD chỉ là nguồn lực bổ sung.
Ông Thắng cũng cho rằng, cần đặc biệt lưu ý các chính sách, cơ chế phát triển công nghiệp đường sắt. Đây là nhiệm vụ không chỉ của Bộ GTVT mà còn của các bộ, ngành khác, là nhiệm vụ lâu dài nhưng cũng là nhiệm vụ cấp bách, cần quan tâm ngay vì không thể phát triển đường sắt mà công nghiệp đường sắt không phát triển, vật tư, thiết bị, công nghệ phải nhập ngoại.
Bình luận (0)