Chưa đền bù đã san lấp đất sản xuất

18/06/2024 07:38 GMT+7

Nhiều diện tích đất sản xuất và cây trồng của người dân ở vùng cao Quảng Nam đã bị đơn vị thi công đổ đất san lấp khi họ chưa được đền bù. Nhiều diện tích ruộng lúa bị đất từ dự án tràn xuống, đành phải bỏ hoang.

ĐẤT SẢN XUẤT BỊ SAN LẤP

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nội thị phía đông kết hợp hạ cốt nền tránh nguy cơ sạt lở đồi Kiểm Lâm do UBND H.Đông Giang (Quảng Nam) làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2022 - 2025 với tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng. Đất sau khi hạ cốt nền sẽ được đơn vị thi công chở về đổ tại bãi thải. Theo phản ánh từ người dân, trước khi "tiếp nhận" nguồn đất từ dự án, khu vực bãi thải là khu sản xuất lâu năm của nhiều hộ dân.

Chưa đền bù đã san lấp đất sản xuất- Ảnh 1.

Anh Abing Khó chỉ về phần diện tích đất chưa được đo đạc đã bị lấp đất

MẠNH CƯỜNG

Ông Alăng Quốc Cường, Tổ trưởng tổ dân phố Prao, cho hay dự án bãi thải này được triển khai từ năm 2023, theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, chủ đầu tư cắm mốc giới xác định vị trí lấp đất để áp giá hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau đó đơn vị thi công tiếp tục mở rộng việc lấp, đổ đất ra ngoài vạch mốc giới đã cắm trước đó. Trên phần đất bị ảnh hưởng bởi dự án, người dân đã trồng keo, quế và một số loại cây trồng khác.

Theo ông Cường, tổng cộng 14 hộ dân có đất và hoa màu bị lấp ở vị trí phát sinh này. Mặc dù việc san lấp đất tạo mặt bằng đã được triển khai, nhưng đến nay các hộ dân bị ảnh hưởng về đất đai, hoa màu vẫn chưa được hỗ trợ, bồi thường. "Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên, kiến nghị sớm giải quyết cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Điều đáng nói, ngoài diện tích đất bị lấp để tạo mặt bằng, khoảng 1,8 ha đất trồng lúa của 17 hộ dân nằm phía dưới khu bãi thải cũng bị bùn đất tràn xuống, không thể canh tác và đành phải bỏ hoang thời gian dài", ông Cường nói.

Bức xúc càng gia tăng khi đất sản xuất bị san lấp trong khi chủ hộ không nhận được thông báo từ chủ đầu tư. Anh Abing Khó (39 tuổi, ở tổ dân phố Prao, TT.Prao) là một trường hợp điển hình. Gia đình anh có hơn 2.000 m2 đất bị lấp nhưng chưa được bồi thường, ngoài ra có thêm hàng trăm cây quế, huỳnh đàn, lòn bon, keo… trồng từ năm 2003 bị vùi lấp dù chưa được kiểm đếm. "Phần lớn diện tích nằm trong phạm vi dự án đã được đo đạc nhưng đến nay vẫn chưa thấy bồi thường. Cả vị trí phát sinh, gia đình tôi và một số gia đình cũng đã bị họ đổ đất san lấp hết", anh Khó bức xúc.

Chưa đền bù đã san lấp đất sản xuất- Ảnh 2.

Bãi thải chứa đất của dự án cốt nền nhưng đến nay vẫn chưa hỗ trợ, bồi thường cho người dân

MẠNH CƯỜNG

CHỜ PHÊ DUYỆT GIÁ ĐẤT ĐỂ BỒI THƯỜNG

Đại diện Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng phát triển quỹ đất H.Đông Giang thì cho rằng đơn vị đã lập biên bản kiểm đếm, thống nhất với người dân trước khi triển khai lấp đất. Đối với diện tích phát sinh ngoài phạm vi, đơn vị sẽ triển khai kiểm đếm và xin chủ trương bồi thường. Đồng thời chủ đầu tư đang chờ UBND huyện phê duyệt giá đất để tiến hành bồi thường theo quy định.

Đối với sự cố bùn đất trên bãi thải tràn xuống lấp nhiều diện tích ruộng lúa của người dân, đại diện BQL giải thích là "không thể lường hết được". Ngoài 13.000 m2 đất lúa đã được thống kê, kiểm đếm trước đó thì có khoảng 5.200 m2 đất lúa bị ảnh hưởng phát sinh. Đầu tháng 5, đại diện đơn vị đã trực tiếp thông tin với người dân, sau khi có phê duyệt giá đất sẽ khẩn trương làm các thủ tục tiếp theo để giải quyết. "Từ ngày 26.9.2023 đã đo đạc hết rồi. Việc hỗ trợ đền bù sẽ được tính theo mật độ của cây cối, hoa màu. Đối với cây trồng, hoa màu đã đo đạc thì đã san lấp sẽ được tính theo mật độ. Do thời gian hơi lâu nên bà con sốt ruột", đại diện BQL nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch UBND TT.Prao, cho hay địa phương cũng đã nhận được đơn của một số hộ dân kiến nghị về việc bùn đất ở khu vực bãi thải tràn xuống ruộng lúa gây bồi lấp nhiều diện tích nên không thể canh tác, phải bỏ hoang. "Mưa lớn trong năm qua khiến bùn đất ở bãi thải tràn xuống bồi đắp phần lớn đất sản xuất của người dân. Vừa qua Thường trực HĐND huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát để yêu cầu BQL dự án đầu tư xây dựng phát triển quỹ đất huyện khắc phục sự cố này", ông Tân nói.

Theo ông Tân, đối với phần đất phát sinh thêm, địa phương chưa nắm rõ, còn diện tích đất ruộng bị bồi lấp do bùn đất tràn xuống thì địa phương đã có văn bản gửi UBND H.Đông Giang và BQL dự án đầu tư xây dựng phát triển quỹ đất kiến nghị sớm kiểm tra, hỗ trợ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.