Chưa đồng ý áp giá trần đối với sách giáo khoa

15/07/2020 10:24 GMT+7

Ngày 14.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa theo đề xuất của Chính phủ.

Trình bày tờ trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay qua so sánh 3 phương án giá đã kê khai của sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới với các cuốn sách giáo khoa kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2019 thì giá cao hơn khoảng hơn 2 lần.
Bà Mai cho rằng theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, thẩm quyền quyết định giá  sách giáo khoa thuộc giám đốc các nhà xuất bản. Việc chỉ thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn phát hành sách giáo khoa như mong muốn. Ngoài ra, nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các nhà xuất bản, theo đó, sẽ có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh.
Phát biểu ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đưa giá sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước được định giá khung tối đa cần phải sửa luật Giá. Bên cạnh đó, mặc dù “tin rằng UBTVQH đồng ý việc định giá trần sách giáo khoa”, song Chủ tịch QH cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động việc giá sách giáo khoa mới thì cả nước tăng thêm bao nhiêu tiền, ảnh hưởng đến đời sống như thế nào.
“Hiện Chính phủ chưa có đánh giá tác động nhưng lại đưa ra một chính sách mới, trong khi chính sách này trong luật không giao thẩm quyền cho UBTVQH”, Chủ tịch QH nói và khẳng định UBTVQH sẽ không làm những việc không đúng thẩm quyền.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá lại, hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo QH ra nghị quyết hoặc sửa lại luật Giá. “Việc này có tác động lớn, thậm chí xin ý kiến cấp có thẩm quyền chứ không nên vội vã”, ông Hiển nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.