Chưa đồng ý chuyển cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

17/05/2020 06:30 GMT+7

Chính phủ muốn xin Quốc hội chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công , song Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình.

Xin thêm hơn 44.000 tỉ đồng từ ngân sách

Trình bày báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (DA) xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16.5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tại Nghị quyết 52 năm 2017, QH đã thông qua chủ trương đầu tư DA. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ đầu tư 654 km chia thành 11 DA thành phần, gồm 3 DA đầu tư công và 8 DA đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng (gồm 55.000 tỉ đồng từ ngân sách và 63.716 tỉ đồng huy động ngoài ngân sách).
Tuy nhiên, theo ông Thể, sau 2 năm triển khai, việc huy động tín dụng trong nước cho các DA PPP đến nay đã phát sinh một số vấn đề, ảnh hưởng đến tính khả thi huy động vốn tín dụng thực hiện các DA thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức PPP. Ngoài ra, kết quả sơ tuyển 8 DA, thì 7 DA có 2 nhà đầu tư tham gia trở lên (riêng DA Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào); tuy nhiên không có tập đoàn lớn tham gia, các nhà đầu tư qua sơ tuyển chủ yếu mạnh về thi công, yếu về tiếp cận vốn.
Cho rằng cần có giải pháp sớm khởi công các DA này để sử dụng được nguồn vốn trung hạn, Chính phủ đề xuất chuyển 8 DA này sang đầu tư công, đảm bảo trong khoảng tháng 8 - 10.2020 sẽ khởi công toàn bộ các gói thầu, và có thể giải ngân được 11.000 tỉ đồng. Cùng 16.000 tỉ đồng đã giải ngân thì sẽ giải ngân khoảng 27.000 tỉ đồng trong 55.000 tỉ đồng đã bố trí (còn lại sẽ giải ngân trong năm 2021). Ngoài ra, theo ông Thể, với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư DA sẽ chỉ còn 99.493 tỉ đồng; do đó ngoài 55.000 tỉ đồng từ ngân sách trước đó, Chính phủ đề nghị bố trí thêm 44.493 tỉ từ ngân sách nhà nước cho DA này.

Phải xin ý kiến của Bộ Chính trị

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  Vũ Hồng Thanh cho biết ý kiến trong thường trực ủy ban này vẫn khác nhau và đề nghị Chính phủ cân nhắc xem xét lựa chọn một số DA thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các DA, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các DA PPP còn lại, chứ không chuyển tất cả sang đầu tư công.

Yêu cầu báo cáo Quốc hội về sách giáo khoa

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Về việc biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (16 triệu USD), ông Phùng Xuân Nhạ cho biết sau 2 lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả biên soạn SGK (lần 1 vào tháng 12.2018 và lần 2 vào tháng 2.2020) của Bộ GD-ĐT đều không thành công. Từ đó, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD-ĐT phê duyệt, thì Bộ không tổ chức biên soạn 1 bộ SGK (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH thống nhất với đề nghị của Chính phủ, tiếp tục thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để chủ động, Thường trực Ủy ban đề nghị giao Thủ tướng quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết. Thường trực Ủy ban cũng đề nghị UBTVQH trình QH về việc sửa Nghị quyết 88 quy định việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên đề nghị sửa Nghị quyết 88 vì nghị quyết không sai. “Bất cứ quốc gia nào cũng có bộ SGK do nhà nước tổ chức biên soạn, rồi trên nền tảng đó mới xã hội hóa. Chứ còn bây giờ chúng ta cho xã hội hóa trước, thấy nó hay quá rồi chúng ta mới bảo thôi, nhà nước chỉ làm vai trò thẩm định. Nếu chúng ta có bộ SGK của nhà nước thì sẽ rất hay, chuẩn chỉnh nhất”, bà Ngân nói. Từ đó, Chủ tịch QH yêu cầu Chính phủ tiếp tục báo cáo ra kỳ họp QH sắp tới nội dung này để QH quyết định.
Tuệ Nguyễn
Nêu ý kiến, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc chuyển toàn bộ cả 8 DA sang đầu tư công là "không chấp nhận được". Vì thế, chỉ chọn DA chưa có nhà đầu tư nào là Vĩnh Hảo - Phan Thiết để chuyển sang đầu tư công. “Nếu xóa sổ toàn bộ 8 DA từ PPP sang đầu tư công, thì có cần phải thông qua luật PPP nữa hay không? Đừng đổ oan cho Covid-19 vì trước khi có dịch bệnh, việc giải ngân vốn đầu tư công đều chậm”, ông Hiển thẳng thắn. Cùng quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không chuyển hết cả 8 DA sang đầu tư công mà chỉ chuyển DA nào khó khăn. “Tiền ở đâu để làm căn cứ chuyển 8 DA này sang đầu tư công? Chưa gì đã tính tiêu của nhiệm kỳ tới 44.000 tỉ”, bà Ngân nói.
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định đề xuất của Chính phủ chưa thể quyết định trong phiên họp lần này. Theo đó, UBTVQH thống nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo hướng chỉ chuyển hình thức đầu tư ở một số DA không có nhà đầu tư, khó khăn trong huy động vốn chứ không chuyển cả 8 DA. UBTVQH sẽ tiến hành xem xét một lần nữa tại phiên họp lần tới, nếu đủ điều kiện sẽ trình ra QH tại đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 9 của QH (tháng 6 tới). Bên cạnh đó, UBTVQH cũng thống nhất, đây là vấn đề lớn, cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền là Bộ Chính trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.