Thạc sĩ Lê Văn Nam và các học trò, nhiều em đã gửi tới thầy Nam những món quà ý nghĩa ngày 20.11 |
Thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên hóa học, Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM kể về những món quà đầy bất ngờ mới nhận được từ học trò của mình dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Gần một học kỳ trôi qua, có nhiều lớp học mà trò chưa từng gặp mặt thầy trực tiếp một lần ngoài đời. Nhưng tình cảm trong những món quà khiến người thầy cảm động.
Thầy Nam gửi tới Báo Thanh Niên những dòng tâm tư trước ngày 20.11:
"Một đời người - một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
Muốn qua sông phải lụy đò
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa ..." (thơ Thảo Nguyên)
Người lái đò chở khách sang sông là hình ảnh ẩn dụ mà người ta hay ví về người thầy. Người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là người thắp lên trong lòng các thế hệ học trò tinh thần chủ động, sáng tạo, tình yêu thương, sống trách nhiệm với cộng đồng.
Ngày còn nhỏ, tôi rất ngưỡng mộ những người làm giáo dục, nhất là thầy, cô đứng trên bục giảng. Với tôi, họ vừa là bác sĩ tâm hồn khi dang cánh tay chữa lành cho những mảnh đời lầm lỗi để họ biết phục thiện, vừa là người vun đắp những giấc mơ cho thế hệ trẻ, để đất nước có thêm nhiều những nhân tài ở khắp các lĩnh vực. Có lẽ như vậy mà đại thi hào Nguyễn Trãi đã viết “Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo lý làm người”.
Thầy Lê Văn Nam |
Ước mơ thành nhà giáo thuở bé của tôi đã thành sự thật, trong giấc mơ có thật ấy, in dấu những giọt mồ hôi, nước mắt của những người thầy của tôi. Trước khi trở thành những người đứng trên bục giảng, truyền lửa tri thức, trau dồi đạo đức cho học trò, chúng tôi cũng là những người học trò được tin yêu bởi rất nhiều những người thầy.
Truyền thống ngàn đời của người Việt Nam là “tôn sư trọng đạo”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ngày 20.11 là dịp để các em học sinh tri ân, nhớ về những người thầy dạy dỗ mình. Chúng tôi cũng hướng trái tim mình về những thầy cô giáo đang ở rất xa, vì dịch bệnh mà chúng tôi không thể tới thăm hỏi hay có một buổi lễ trọng thể để cảm ơn và tặng thầy cô những đóa hoa.
Học trò gửi món quà ý nghĩa tới thầy Nam, các em chưa từng gặp gỡ thầy, gặp gỡ bạn bè và học trực tiếp tại trường một buổi nào |
Năm học 2021 - 2022 có lẽ là năm học đáng nhớ nhất của những người “đưa đò” và cả hành khách trên chuyến đò ngang. Vì đại dịch Covid-19 mà đã gần hết một học kỳ, cả thầy và trò vẫn chưa thể gặp nhau, chỉ biết ngậm ngùi nhìn nhau qua màn hình máy tính, điện thoại. Những cảm xúc chân thật của lớp học vì thế mà vơi đi ít nhiều.
Xa cách nhưng không xa lòng
Thương nhất là những em học sinh đầu cấp. Gần hết học kỳ 1 đã trôi qua, gần 50 em học sinh lớp 10 mà tôi chủ nhiệm vẫn chưa được đến trường học trực tiếp. Ở ngôi trường mới, các em chưa từng gặp gỡ thầy cô, bạn bè, chưa từng hình dung chỗ ngồi ở lớp của mình sẽ ra sao. Xa xôi là thế, cách trở là thế, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau, xa cách nhưng không xa lòng.
Nhờ công nghệ, chúng tôi cũng có thêm cơ hội đến “gần” hơn với học trò, tìm hiểu từng em học sinh, xem các em có khúc mắc gì trong cuộc sống để thầy trò cùng tìm cách tháo gỡ. Các em học sinh ngoài giờ học vẫn chủ động liên lạc với tôi hỏi những phần bài các em chưa hiểu. Chính vì vậy mà khoảng cách không gian giữa thầy và trò dần ít đi.
Những hình ảnh dễ thương các em học sinh vẽ tặng thầy Nam |
Trên mạng xã hội Facebook, thầy trò là những người bạn, cùng chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc sống. Khi “bắt trend” cùng với học trò, chúng tôi sẽ thấu hiểu các em hơn. Nhiều năm qua, tôi thấy mình hạnh phúc vì đã chinh phục được tình yêu môn hóa học của nhiều em học sinh từ cách dạy học sáng tạo, bắt kịp đời sống giới trẻ.
Những ngày này, trên các trang mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết, lời chúc của những “hành khách” đã và đang sang sông dành cho người đưa đò thầm lặng. Cá nhân tôi đã nhận được rất nhiều những món quà đặc biệt của các học trò.
Tấm thiệp đầy màu sắc môn hóa học trò gửi tặng thầy |
Các em viết những lời chúc dễ thương đầy màu sắc môn hóa học gửi tôi, hay có những học trò chỉ nhìn thấy giáo qua màn hình học trực tuyến vẫn vẽ tặng tôi những bức chân dung rất dễ thương. Các em ghép những tấm hình cả lớp khi học trực tuyến và hình ảnh của tôi, trở thành một tấm thiệp ý nghĩa ngày 20.11. Đại dịch đi qua, những khó khăn còn đọng lại không ít trong nhiều gia đình, nhiều hoàn cảnh học trò nhưng tình cảm các em dành cho những người thầy đều hết sức trân quý.
Dịch bệnh có thể tạo ra những hàng rào ngăn cách về địa lý, nhưng không ngăn cách được những trái tim hướng về người thầy thay đổi đời mình. Tấm lòng mến phục, sự kính trọng những “người trồng cây” vẫn còn đó, tồn tại mãi theo thời gian… không phải qua những món quà ngày 20.11, mà ở trong tim mọi thế hệ học trò.
Bình luận (0)