Theo tướng Oleksandr Syrskyi, quyết định này được thúc đẩy vì sự phát triển của tên lửa mới của Nga mang tên gọi “Oreshnik”. Ông cho biết Ukraine đang tích cực nghiên cứu “tạo ra hệ thống phòng không của riêng mình, không chỉ là hệ thống phòng không mà còn là hệ thống chống tên lửa”.
Trước đó, Nga đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa Oreshnik trong thực chiến hồi tháng 11.2024 để bắn vào một địa điểm công nghiệp ở Dnipro (miền trung Ukraine). Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vũ khí này là “đầu đạn bội siêu thanh phi hạt nhân” có thể di chuyển với vận tốc Mach 10, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh.
Ông Syrskyi cho hay chỉ một số ít hệ thống phòng thủ có thể đánh chặn Oreshnik, và Kyiv hiện không có khả năng đó. Nhưng ông nhắc lại rằng khi còn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô, Ukraine đã sản xuất “tất cả các hệ thống điều khiển cho các hệ thống phòng không”.
Ukraine đã phải chật vật đương đầu các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga bằng các hệ thống phòng không hiện có của mình. Nước này liên tục yêu cầu thêm các tổ hợp Patriot và các hệ thống phòng không khác từ các đồng minh phương Tây.
Chiến dịch quân sự của Nga đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động sản xuất quốc phòng tại Ukraine. Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine đã sản xuất gần một phần ba số vũ khí và thiết bị mà nước này sử dụng vào năm 2024.
Một số nhà sản xuất quốc phòng phương Tây cũng đã ký các thỏa thuận sản xuất chung và đã cho xây nhà máy tại Ukraine. Trong đó gã khổng lồ quốc phòng Rheinmetall của Đức cho biết đang xây dựng một cơ sở phòng không mới tại Ukraine.
Vào ngày 16.1, Anh thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng không mới có tên là Gravehawk, và Đan Mạch cùng san sẻ ngân sách.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Gravehawk là hệ thống gắn trên xe tải, có thể cải tiến tên lửa không đối không để có thể bắn từ mặt đất. Nhờ vậy, các tổ hợp mạnh mẽ hơn — chẳng hạn như hệ thống phòng không Patriot, SAMP-T và NASAMS — có thể rảnh tay nhắm vào các mục tiêu lớn hơn.
Tuy nhiên, theo nhận định của trang tin quân sự Ukraine Defense Express, kể cả các tổ hợp Patriot hay SAMP-T cũng chưa chắc đánh chặn đưa tên lửa Oreshnik của Nga.
Nguyên nhân là vì Oreshnik mang theo đến 6 đầu đạn và mồi nhử, có thể tấn công một lúc nhiều mục tiêu. Trong khi đó, số lượng mục tiêu mà Patriot có thể đánh chặn cùng lúc là có hạn, nghĩa là sẽ không thể tấn công tất cả các đầu đạn Oreshnik cùng lúc.
Defense Express nhận định rằng rằng ngay cả hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn vì nguyên nhân như vậy. Do đó, phương pháp hiệu quả nhất để đánh chặn một tên lửa như Oreshnik là phá hủy nó trước khi quá trình tách đầu đạn bắt đầu, vì khi đó chỉ có một mục tiêu.
Theo Defense Express, khả năng này có thể thực hiện được với tên lửa dẫn đường SM-3 của Mỹ, được sử dụng trên các tàu được trang bị hệ thống Aegis hoặc phiên bản cố định trên đất liền là Aegis Ashore.
Bình luận (0)