Do thời tiết mưa dầm, khai hội chùa Hương năm nay thưa vắng khách thập phương hơn các năm trước. Đáng chú ý, năm nay khu di tích miễn vé tham quan (80.000 đồng/lượt) trong 3 ngày từ 30 tết, nên đông đảo du khách đã đến lễ trong những ngày đó. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều 21.2, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cho rằng đây không phải nguyên nhân chính, mà chủ yếu do mùng 6 tết là ngày đi làm đầu tiên của các cơ quan, công sở. “Đã đi lễ mọi người thường đi với gia đình, nên đông nhất sẽ vào ngày thứ bảy, chủ nhật tới”, ông Hậu cho biết.
Theo quan sát của PV Thanh Niên có mặt tại khu vực di tích từ chiều 20.2, rất nhiều du khách các tỉnh xa đã về đây từ đêm trước để tránh tắc đường, kịp dự lễ khai hội. Do đó, chiều tối 20.2 có hiện tượng ùn ứ giao thông tại đường dẫn vào bến Yến. Nhiều đoàn du khách đã thuê xuồng vào khu vực chùa Hương ngay trong đêm, dù suối Yến rất tối và sâu. Trao đổi về việc này, ông Hậu cho biết: “Theo quy chế thì có giới hạn giờ hoạt động xuồng trên suối Yến, có chế tài, nhưng do nhu cầu của du khách nên một số xuồng vẫn hoạt động”. Ông Hậu cho biết chưa từng xảy ra va chạm cũng như đuối nước trên suối Yến. Tuy nhiên, kể từ lễ hội sang năm, đèn điện sẽ được lắp dọc suối để chiếu sáng.
tin liên quan
Chùa Hương khai hội trong mưaTrong ngày khai hội, chưa có sự cố nào đáng kể xảy ra, ngoại trừ những việc “muôn năm cũ” như tình trạng xả rác bừa bãi của du khách, du khách trèo tường, giẫm cỏ, chen lấn để đi nhanh; một số trẻ em lạc cha mẹ. Tình trạng chặt chém du khách, bày bán thịt động vật hoang dã bừa bãi, mê tín dị đoan, trò chơi trúng thưởng... đã giảm đi.
Tình trạng cướp lộc phản cảm của lễ hội mùa trước đã được ngăn chặn, sau khi ban tổ chức đề nghị ban trị sự chùa Hương không phát lộc tại lễ hội.
|
Hội Gióng đền Sóc bỏ cướp lộc
Sáng cùng ngày, Lễ hội Gióng khai mạc tại Khu di tích lịch sử đền Sóc (H.Sóc Sơn, Hà Nội). Năm nay, việc tổ chức khai mạc thay đổi do có nhiều e ngại bạo lực sẽ xảy ra khi người dân đổ xô tranh cướp giò hoa tre và cướp giò hoa cau sau lễ tế. Thay vào đó, ban tổ chức đã chuẩn bị hơn 15.000 lộc hoa tre để phát cho người dân trong 3 ngày lễ hội này. Nhờ đó, sáng khai mạc đã không còn cảnh tranh cướp, xô xát nữa.
Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, để có được sự thay đổi này, quản lý văn hóa đã vận động người dân thay đổi việc cướp lộc trong suốt năm 2017. Trước đó, một số năm đã xảy ra nhiều xô xát đổ máu khi cướp lộc.
Cùng với Hội Gióng Phù Đổng (H.Gia Lâm, Hà Nội), hội Gióng ở đền Sóc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.
Chùa Hương Tích và Bái Đính vào hội
Sáng 21.2, Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Ninh Bình và UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính (tại xã Gia Sinh, H.Gia Viễn, Ninh Bình) năm 2018. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về dự và đánh trống khai hội. Tại lễ khai hội, lãnh đạo T.Ư, tỉnh Ninh Bình và hàng nghìn tăng ni, phật tử, du khách đã cùng cầu nguyện, dâng hương cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội chùa Bái Đính 2018 là năm thứ 4 được tổ chức kể từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên của thế giới (năm 2014).
Sáng cùng ngày, hàng ngàn du khách thập phương đã đổ về chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) dự khai hội. Chùa xây vào đời Trần, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa.
Phạm Đức - Minh Hải
|
Bình luận (0)