Chữa lành chấn thương tâm lý cho đồng nghiệp trẻ

27/02/2022 08:01 GMT+7

Có thời điểm tháng 1.2022, ca tử vong do Covid-19 ở TP.HCM bằng 0 . Cuộc chiến chống đại dịch của thành phố lớn nhất Việt Nam không thể thành công như vậy nếu như không có đội ngũ những người thầy thuốc.

Đặc biệt có những người vừa giúp bệnh nhân chữa bệnh, vừa điều trị chấn thương tâm lý cho chính những đồng nghiệp trẻ, do họ bị sốc khi chứng kiến quá nhiều câu chuyện đau buồn.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Cường (44 tuổi), Phó trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP.HCM là một trong số ấy. Từ tháng 8.2021 cho tới nay, khi BV dã chiến đa tầng Tân Bình được thành lập và hoạt động, anh Cường nhận nhiệm vụ phụ trách khu bệnh nặng.

Bác sĩ Cường (bìa trái) trong ngày xuất viện của các bệnh nhân

NVCC

“Trong cuộc đời này, không ai mong muốn có lần thứ 2 chứng kiến...”

Bác sĩ Cường nhớ lại những ngày tháng căng thẳng nhất của dịch bệnh, cũng là lúc BV dã chiến đa tầng Tân Bình bắt đầu hoạt động. Thời điểm ấy, khi mà đa phần người dân chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, bệnh nhân diễn biến nặng do Covid-19 phải nhập viện tăng, tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở TP.HCM luôn cao. Nhân viên y tế rất đau xót khi phải chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân rời xa cuộc đời.

Bác sĩ Cường bộc bạch là người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng thời gian ấy, trong một vài thời điểm chính anh cũng bị sốc. Do đó, một số bác sĩ, nhân viên y tế trẻ khoảng thời gian ấy gặp áp lực rất lớn cũng dễ hiểu.

“Quá trình các y bác sĩ chống dịch vốn đã rất cực khổ, nhưng cái cực khổ nhất, đó là họ không có người thân kế bên. Làm việc thì ở BV, tối về cách ly trong khách sạn, mọi người không có người thân để chia sẻ. Nhiều người buồn lắm, suy nghĩ, mất ăn mất ngủ. Chúng tôi có những nhóm nhỏ trên Zalo, mọi người chia sẻ với nhau những khoảnh khắc tích cực. Đó có thể là một nụ cười của bệnh nhân, những tấm ảnh chụp các ngày kỷ niệm cho bệnh nhân trong phòng bệnh, một lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân, nụ cười của người đang điều trị… đều có ý nghĩa tích cực trong liệu trình điều trị chấn thương tâm lý cho các bạn”, bác sĩ Cường kể.

Bác sĩ Cường, người chữa lành chấn thương tâm lý cho nhiều đồng nghiệp trẻ

Hoàng Tường Vy

Bác sĩ Cường cho hay môi trường trong BV dã chiến, mọi người đều mặc đồ bảo hộ trắng kín mít, để có thêm màu sắc tích cực, các y bác sĩ cùng trang trí không gian làm việc. Các bác sĩ, nhân viên y tế luân phiên làm việc, khi ai đó sức khỏe giảm sút, bác sĩ Cường xin với lãnh đạo khoa phòng để người đó được nghỉ ngơi, dưỡng sức. Đồng thời, bác sĩ như một người đàn anh đi trước trò chuyện, động viên với các đồng nghiệp trẻ, trấn an mọi người để tất cả cùng hướng về phía trước.

“Tôi nói với các em trong cuộc đời này, khi chúng ta ở vị trí này, chắc chắn không một ai mong muốn phải có lần thứ hai chứng kiến dịch bệnh. Cũng không ai mong muốn thế hệ con cháu chúng ta phải chứng kiến. Bởi vậy bằng mọi giá chúng ta phải chấm dứt dịch bệnh”, bác sĩ Cường tâm sự.

Bác sĩ Cường nói mỗi người cần phải đứng trên cương vị một nhân viên y tế, cần gạt lại nỗi đau, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân người bệnh tử vong để nói với người nhà. Sau đó rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân ấy, để không xảy ra với những người bệnh khác. “Mỗi người bệnh tử vong là một bài học suốt đời cho mỗi y bác sĩ, bởi vậy tôi nói với các đồng nghiệp, với trách nhiệm của mỗi người làm nghề y, mọi người cần phải vượt qua những cảm xúc ban đầu để nỗ lực nhiều hơn, để cứu chữa cho nhiều bệnh nhân”, bác sĩ tâm niệm.

Nhiều y bác sĩ trẻ sau thời gian dài làm việc ở BV dã chiến, khi quay trở lại làm việc ở BV bình thường thì cảm xúc, tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Để mọi người “tái hòa nhập” môi trường BV, bác sĩ Cường đề xuất với cấp lãnh đạo phòng ban, để mọi người có thể tranh thủ về với gia đình sum họp, tinh thần tích cực từ khoảnh khắc đoàn tụ sẽ tiếp thêm những năng lượng mới cho các nhân viên y tế trẻ tiếp tục cống hiến.

Bác sĩ Cường động viên một người bệnh cao tuổi

NVCC

“Làm nghề y cần chữ trí, đức”

Anh Cường tốt nghiệp ngành y đa khoa, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ khi ra trường anh về công tác tại BV Thống Nhất, TP.HCM cho tới nay đã tròn 20 năm. “Gia đình tôi không ai theo ngành y, song từ khi học phổ thông tôi đã yêu thích và hạ quyết tâm phải trở thành bác sĩ”, anh Cường, chàng trai sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, bày tỏ.

Hiện ngoài nhiệm vụ ở BV dã chiến, bác sĩ Cường còn được phân công phụ trách nhóm đào tạo của Hội Thầy thuốc trẻ - BV Thống Nhất. Trong các buổi họp nhóm, anh luôn truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức của thế hệ đàn anh đi trước với các bác sĩ trẻ mới vào nghề, giúp mọi người được nâng cao chuyên môn, rèn luyện y đức.

“Tôi luôn nhắn nhủ với các y bác sĩ trẻ dù bất kỳ công việc nào, ở vị trí nào, chuyên khoa nào, chăm sóc bệnh nhân là người già, người trẻ hay thai phụ, tất cả đều cần có tâm với nghề. Để làm nghề y, ngoài “trí” thì cần chữ “đức”. Một người bác sĩ có tâm luôn nhớ tới lời thề Hippocrates, phải đặt bệnh nhân lên trên hết, phải kiên nhẫn và thấu hiểu người bệnh. Phải đặt mình vào nỗi đau của bệnh nhân để chăm sóc họ tốt hơn”, bác sĩ Cường tâm sự.

Bác sĩ cũng chia sẻ để đi qua hết quãng đường của một người bác sĩ, những khó khăn sẽ là muôn trùng. Mỗi vị trí mà y bác sĩ, nhân viên y tế đang đảm trách đều có những khó khăn riêng, nhưng mỗi người trẻ đừng chùn bước, hãy kiên trì, nghĩ về người bệnh với cả trái tim của mình. Như với cá nhân anh, hiện đang phụ trách khu bệnh nặng, BV dã chiến đa tầng Tân Bình, anh và đồng nghiệp lúc nào cũng ước mong mình sớm “thất nghiệp”, dỡ bỏ hết BV dã chiến, kết thúc dịch bệnh, để tất cả mọi người đều có những ngày bình yên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.