Khai thác bệnh sử, ông C. cho biết, năm 1973 ông bị mảnh bom cắt vào mắt cá chân phải gây sưng, rỉ mủ, đau nhức. Ông tự băng bó vết thương, uống kháng sinh, sau vài ngày vết thương lành. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng sau, vùng mắt cá chân lại rỉ mủ, đau nhức. Ông C. tiếp tục tự điều trị giống như cũ. Mặc dù vết thương có lành nhưng tái lại sau vài tháng.
Năm 1998, ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bác sĩ khuyên ông cần để ý tới vết thương, nếu không dễ bị hoại tử, phải cắt cụt chân. Đúng như lời khuyên bác sĩ, từ khi bị tiểu đường, vết thương của ông đau nhức nhiều hơn, uống kháng sinh cũng phải tăng liều. Có lần vết thương sưng to, loét nhiều, ông phải nhập viện gần 1 tháng để điều trị vết thương.
Ông C. cho biết ông đã được bác sĩ tiểu phẫu 3 lần cắt bỏ vùng hoại tử. Khi vết thương lành lặn hơn, ông được về nhà. Nhưng cỡ 2-3 tuần sau, đúng vị trí đó lại đau nhức, mưng mủ. Ông uống kháng sinh, giảm đau thì đỡ nhưng thi thoảng vẫn thấy đau nhức.
Được người quen giới thiệu ông đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM để điều trị.
Vết thương ở chân có biểu hiện nhiễm trùng, hoại tử
Ngày 27.12, thạc sĩ - bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết ông C. bị sốt cao, vết thương ở chân có biểu hiện nhiễm trùng, hoại tử, có thể nhiễm trùng mô sâu, nếu điều trị không tốt có thể làm nhiễm trùng lan rộng hơn. Ở người bình thường vết thương mạn tính chăm sóc rất khó, dễ tái phát, chưa kể ông C. mắc bệnh tiểu đường loại 2. Đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dễ nhiễm trùng, hoại tử, biến chứng bàn chân tiểu đường.
Một vết thương mạn tính điều trị thường gặp nhiều khó khăn và thử thách, vết thương mạn tính ở người tiểu đường càng làm tăng mức độ khó. Bác sĩ cần lên phác đồ điều trị tránh tình trạng tái phát nhiễm trùng, mưng mủ, gây ám ảnh tâm lý người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Loại bỏ mô hoại tử, xoay vạt da
Các bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường cùng hội chẩn với bác sĩ Chấn thương chỉnh hình lên phác đồ điều trị chăm sóc vết thương đặc biệt cho ông C.. Các bác sĩ loại bỏ mô hoại tử, mủ, sát trùng vết thương và cắt lọc mỗi ngày, đặt máy hút áp lực âm giúp tăng sinh các mô tế bào mới, vì vết thương để quá lâu, sử dụng kháng sinh dài tạo thành màng vi khuẩn kháng kháng sinh (vi khuẩn không phản ứng với kháng sinh bình thường).
Ông C. được điều trị bằng truyền kháng sinh đặc hiệu giải quyết vấn đề nhiễm trùng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng và điều trị kiểm soát các yếu tố khác như đường huyết, huyết áp giúp quá trình lành thương tốt hơn. Trong quá trình điều trị, chân ông C. được băng bó kín để hạn chế di chuyển giúp vết thương nhanh lành.
Hơn 1 tháng, ông C. trải qua cuộc mổ cắt lọc mô chết, sau đó xoay vạt da và rất nhiều lần thay băng, chăm sóc vết thương, cắt lọc mô hoại tử, đặt máy hút áp lực âm...
"Để phòng ngừa các vết thương mạn tính, người dân khi bị thương ngoài da, xây xước, chảy máu, rách da cần đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, đúng cách. Đặc biệt là vết thương ở vị trí khó lành như cổ chân, mắt cá chân, xương cụt, lòng bàn chân,… Người bệnh tiểu đường, bệnh thần kinh, mạch máu, người lớn tuổi,… càng chú ý đến các vết thương ngoài da, dù là vết trầy xước nhỏ", bác sĩ Bích khuyến cáo.
Bình luận (0)