Chữa mãi không hết ngập do thiếu tiền?

05/06/2020 08:23 GMT+7

Thiếu vốn cho các dự án được nhận định là nguyên nhân chính khiến TP.HCM chữa mãi không hết ngập.

Mới đây, phương án thu phí dịch vụ chống ngập mà Sở Xây dựng cùng Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam phối hợp nghiên cứu đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của dư luận.
Nguyên nhân chính khiến TP phải tìm đến phương án xã hội hóa công tác chống ngập là do số lượng dự án “khủng”, đã triển khai chậm lại không có vốn, nên càng chậm hơn.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết: Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách TP, hỗ trợ từ T.Ư, cổ phần hóa… mới có được 26.852 tỉ, còn cần huy động 46.527 tỉ. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, TP dự kiến sử dụng 96.527 tỉ đồng để chống ngập nhưng nguồn vốn ngân sách TP chỉ chiếm 15.851 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách T.Ư là 588 tỉ đồng. Phần còn lại huy động từ xã hội hóa và nguồn vốn ODA kết hợp PPP.
Ước tính, để hoàn thiện hỗ trợ tăng cường điều tiết nước đô thị, kết hợp mảng xanh đô thị cùng với hệ thống thoát nước một cách đồng đều trên tất cả địa bàn quận, huyện, TP cần đầu tư 100.000 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn cực kỳ lớn, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, công tác kêu gọi đang gặp nhiều khó khăn. Khả năng huy động vốn ODA đang bị thu hẹp trong khi hiện TP chưa có cơ chế thu hút, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách.
Nhìn từ góc độ quy hoạch, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định các khu đô thị tại TP.HCM bị ngập hiện nay có nguyên nhân lớn là do tình trạng bê tông hóa, cốt nền không chuẩn, rác nghẽn không được xử lý. Để giải quyết, cần xử lý điều chỉnh lại mức độ bê tông hóa đô thị, điều chỉnh cốt nền... Việc này nếu làm được có thể giảm 80 - 90% ngập đô thị, nhưng lại thực hiện khá chậm. Hiện nay, việc này không biết do ai làm, trong khi cần kết hợp nhiều ban ngành.
Bên cạnh đó, việc thời gian qua cơ quan quản lý buông lỏng khâu cấp phép quy hoạch, xây dựng, dẫn đến việc các dự án được “cắm” vô tội vạ, bê tông hóa toàn TP gây ngập.
“Nếu làm tốt công tác quy hoạch, TP.HCM không cần xã hội hóa vẫn sẽ có đủ chi phí chống ngập. Đơn cử như khu Nam TP.HCM, địa hình trũng, thấp, là khu vực dễ ngập khi đô thị hóa nhưng khu vực Phú Mỹ Hưng thực tế gần như chưa bao giờ ngập. Điều này nhờ vào công tác quy hoạch ngay từ ban đầu đã chú trọng tới mảng xanh, chú trọng không gian trữ và thoát nước. Nên rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch, gắn trách nhiệm xã hội với những doanh nghiệp đã góp phần tác động gây ngập. Điều này sẽ phù hợp với “túi tiền” của TP và hiệu quả hơn so với việc lo tìm vốn, đổ tiền vào hàng loạt giải pháp công trình như hướng TP đang làm”, ông Sơn hiến kế.
Đồng tình, PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang (Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng giải pháp hiệu quả nhất vừa giúp giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ trong hiện tại, vừa giải quyết các yếu tố thời tiết bất định trong tương lai là TP cần phát triển không gian điều tiết nước mưa.

Nỗi khổ nhiều năm: “Mưa nhỏ mưa lớn gì cũng ngập hết”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.