Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Thuận đề nghị mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại, có thể giải quyết cả những tranh chấp dân sự trong trường hợp các bên có yêu cầu. Ông Thuận nói: “Trách nhiệm của Nhà nước là cung cấp các dịch vụ cho người dân. Tại sao người ta không muốn ra tòa để giải quyết mà cứ bắt họ phải ra tòa?”. Tuy nhiên, Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng cho rằng: “Bao nhiêu năm trời, trọng tài thương mại mới giải quyết được 280 vụ, chứng tỏ uy tín chưa đủ để người dân tín nhiệm”. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng ý với quan điểm này: “Bản thân trọng tài thương mại chưa vươn lên để có niềm tin với công chúng, trao cho trọng tài thương mại thẩm quyền đến đâu phải xuất phát từ thực lực thực tế”.
Cả hai Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Uông Chu Lưu đều thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo, nghĩa là giới hạn điều chỉnh phạm vi hoạt động của trọng tài thương mại trong hoạt động thương mại và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại.
Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận và thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Chính phủ đề nghị UBTVQH cho bổ sung dự án Luật Đầu tư công và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII và năm 2010. Được biết, nguồn vốn đầu tư công hiện nay chiếm tới trên 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2000 - 2005 và khoảng trên 20% trong giai đoạn 2006 - 2010 nhưng lại chưa có một văn bản luật thống nhất về đầu tư công. Tờ trình của Chính phủ cho biết, đầu tư công được hiểu là đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, bao gồm tiền của ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia...
Theo Tờ trình của Chính phủ, chủ đầu tư công được quy định là các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng vốn đồng thời phải là tổ chức được giao quyền quản lý sử dụng, khai thác dự án. Như vậy, theo nguyên tắc trên, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không trực tiếp làm chủ đầu tư, trừ dự án xây dựng cơ sở vật chất của cơ quan.
Xuân Toàn
Bình luận (0)