Tăng theo lộ trình nhưng cần chia sẻ khó khăn
Về việc nhiều địa phương dự kiến tăng học phí (HP) trong năm học mới, đại diện Bộ GD-ĐT giải thích, quy định của Chính phủ cho phép các địa phương tăng khung HP từng năm, tối đa 7,5%. Nghĩa là đến năm 2025, mức trần HP hằng tháng có thể là 670.000 đồng (với bậc mầm non) và 806.000 đồng (THCS và THPT) ở thành thị. Đến năm 2026, một nghị định mới về mức HP sẽ được ban hành, khung học phí sẽ lại có mức trần và sàn khác. “Nói là tăng nhanh, nhưng HP năm 2025 mà Hà Nội dự kiến áp dụng cũng chỉ bằng mức trần của năm 2022 theo khung của Chính phủ”, vị này nói.
Theo các chuyên gia, đây không phải là thời điểm phù hợp để tăng học phí trường công bậc phổ thông |
NHẬT THỊNH |
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa quan trọng trong nền kinh tế đều tăng thì các địa phương chưa nên tăng HP ở thời điểm hiện tại mà cần phải chọn thời điểm hợp lý hơn.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho hay đành rằng dự kiến tăng HP là “theo đúng lộ trình” đã định sẵn, tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc lộ trình ấy có phù hợp với hoàn cảnh thực tế hay không.
Ông Long cho rằng, HP phổ thông cũng giống như giá sách giáo khoa, lương thực, thực phẩm, sẽ tác động đến toàn xã hội, đến mọi nhà, mọi người. Do vậy cần cân nhắc khi mọi thứ đồng loạt công bố tăng, gánh nặng sẽ đổ xuống đầu người dân và mỗi thứ sẽ góp phần đẩy lạm phát tăng. PGS Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh cả xã hội vừa trải qua dịch Covid-19, thu nhập của đa số người dân bị ảnh hưởng nặng nề suốt 3 năm qua, các địa phương không nên tăng HP ở thời điểm này.
Ông Long cũng nêu quan điểm: “Giáo dục luôn được coi là quốc sách của mỗi quốc gia nên các vấn đề liên quan chi phí cho giáo dục mà phải thu từ người dân như HP, giá sách giáo khoa trước khi quyết định tăng và tăng bao nhiêu thì cần được cân nhắc cho phù hợp với thu nhập, sức chịu đựng của đa số người dân, điều này rất quan trọng”.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn trước rất nhiều và đây là tình hình chung khi các nước cũng chịu áp lực lạm phát, vấn đề khủng hoảng Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông Vân nêu thực tế: Xét trên góc độ của người sử dụng quản lý thì khi chi phí cho tất cả các hoạt động quản lý, sinh hoạt tăng, phải có nguồn bù đắp nên phải tăng thuế, tăng phí. Còn người đóng phí cũng chịu các tác động ngoại cảnh, là rủi ro chung. Do đó, mức tăng HP phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ cả hai chiều. “Tôi cho rằng hiện các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện, khi có cơ sở bền vững thì tăng và tăng có lộ trình”, ông Vân nói.
Dự kiến tăng học phí đưa ra trong bối cảnh giá sách giáo khoa mới cao hơn tới 2 - 3 lần, các mặt hàng khác đều tăng sẽ thêm gánh nặng cho phụ huynh |
nguyễn loan |
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cũng chia sẻ với PV Thanh Niên quan điểm: Việc tăng HP không thể cào bằng giữa khu vực công và tư. Khu vực tư thục có thể tăng cao vì phụ huynh đã chọn cho con theo học trường tư thường là những người khá giả, họ chấp nhận mức phí cao hơn. Với khu vực trường công ở cấp mầm non, THCS, THPT dành cho đa số thì đây không phải là thời điểm phù hợp để tăng HP. “Hiện giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng, nên người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá HP cho khu vực trường công ở thời điểm này. Bên cạnh đó, việc tăng giá sách giáo khoa như các nhà xuất bản đã công bố là chưa phù hợp”, ông Đồng chia sẻ.
Không mập mờ giữa học phí với phụ phí
Ở khía cạnh khác, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng việc công bố lộ trình tăng HP phải gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục, các khoản thu phải tính đúng tính đủ trong HP. Tránh trường hợp HP vẫn tăng mà không bỏ được các khoản “phụ phí” thậm chí cao hơn cả HP như hiện nay. “Về lâu dài, những cấp học bắt buộc, phổ cập, ngoài tiểu học thì cấp THCS cũng cần được tính toán, cân đối nguồn lực để miễn HP”, ông Thạch nói.
PGS Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc tăng HP phải gắn với phương án chất lượng giáo dục có gì thay đổi chứ không thể chỉ đưa ra lộ trình tăng HP đơn thuần. Bên cạnh đó cần giải quyết tình trạng mập mờ các khoản thu ngoài HP.
Cũng liên quan vấn đề công khai, minh bạch trong các khoản thu, nhiều ý kiến đang băn khoăn với khoản thu hỗ trợ dạy học buổi 2 ở cấp tiểu học. Cụ thể, cấp học này việc miễn HP đã được quy định trong Hiến pháp, luật Giáo dục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những địa phương, vẫn cho phép các trường thu hỗ trợ học buổi 2 (chưa kể phí bán trú và ăn trưa). Điều này gây bức xúc khi từ năm 2020, cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1, trong đó quy định bắt buộc học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày thay vì 1 buổi/ngày như chương trình cũ. Câu hỏi đặt ra là quy định thu tiền của người dân để chi trả cho buổi học thứ 2 có còn phù hợp nữa hay không?
Ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, khi học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì đồng nghĩa với việc cả 2 buổi ấy học sinh tiểu học tại trường công lập phải được miễn HP. Các địa phương phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để miễn HP cả 2 buổi ở cấp tiểu học, nơi nào thu tiền học buổi 2 là sai quy định.
Bình luận (0)