Những cá chuồn, cá ngừ, cá nục còn xanh mướt, nhìn thôi đã thòm thèm. Má thường chọn mua cá nục vì nó rẻ nhất, sau khi mua thêm ít cà chua, hành, hai má con trở về. Cá nục sau khi làm sạch ruột, vảy, cắt thành 2 khúc, rửa sạch, ướp gia vị, kèm ít hành củ xắt mỏng, không quên cho vào ít nghệ và ớt bột. Ra vườn, cắt trái thơm, gọt vỏ, tỉa mắt, xắt lát. Cà chua chẻ làm tư, thế là đủ nguyên liệu nấu canh.
|
Sau khi khử dầu phộng (dầu lạc), cho một ít củ nén băm nhỏ, mùi thơm của nén quyện với dầu phụng dậy lên là cho thơm, cà chua đảo đều rồi đổ nước vào. Cá chỉ cho vào nồi khi nước thật sôi. “Như thế cá sẽ không tanh”, má nói. Khi nồi canh sôi trở lại, cho thêm hành lá, múc canh ra tô và... xì xụp. Nhà nghèo nên bữa ăn của gia đình ngoài cơm thường chỉ có một món ăn kèm. Bữa nào má nấu canh ngót thì bữa đó ăn được hai món, một canh và một cá - cá nấu canh sẽ được cho ra đĩa, thêm một ít nước mắm nguyên chất kèm vài lát ớt, thế là trở thành món mặn. Canh thường được ăn cuối, sau khi đã dùng cơm với cá. Bưng chén canh ngót còn nóng, múc từng muỗng cho vào miệng, vị ngọt của cá, vị chua ngọt của thơm, cà chua kèm vị nồng của hành, cay của ớt, tất cả hòa quyện, tạo nên một mùi vị rất riêng.
Thanh Đông
Bình luận (0)