Vị chua, ngọt lạ miệng của món nộm có tác dụng đưa cơm rất nhanh. Thông thường các món nộm sử dụng các nguyên liệu như: đu đủ, tai lợn, xoài, lạc rang, rau thơm… Tuy nhiên, lại có một cách chế biến nộm khá thú vị mà chất liệu chính là từ măng.
Măng vốn là món ăn mộc mạc phổ biến ở vùng núi Tây bắc. Trong những rừng tre, giang bạt ngàn, mùa mưa măng đội đất lên tua tủa. Ngoài những món măng nấu canh, luộc, măng chua muối thì măng làm nộm cũng khá ngon.
tin liên quan
Đổi vị với món nộm hoa chuối(iHay) Thử thay đổi khẩu vị theo phong cách dưỡng thực, màu sắc hài hòa với món nộm hoa chuối.
Ban đầu chế biến măng như bình thường. Sau khi bóc hết phần vỏ bên ngoài và cắt bỏ phần gốc cứng, đem măng luộc sơ qua. Tuy nhiên, khác với cách thái măng thông thường là tước thành sợi dài, măng làm nộm sau khi luộc xong đem cắt vát thành từng miếng mỏng, ngắn để dễ trộn. Khi đã có những lát măng mỏng trắng ngần, cho vào bát, vắt một chút nước cốt chanh để măng mềm và thơm.
Tiếp đến là khâu chuẩn bị các gia vị, gồm: lạc rang thật giòn, bóc vỏ, giã nhỏ, rau tía tô, rau kinh giới rửa sạch, thái nhỏ, tất cả trộn vào bát măng. Trong khi trộn, nêm một ít muối, bột ngọt vào để món nộm trở nên đủ vị và đậm đà hơn. Chính sự kết hợp tỷ lệ vừa phải các loại gia vị là một trong những khâu quan trọng giúp món ăn hấp dẫn.
Món ăn đơn giản nhưng mỗi khâu cần chú ý đảm bảo yêu cầu như khi cắt măng, nếu không cắt mỏng, ngắn, măng sẽ khó ngấm hết các hương vị của rau, của chanh và của các gia vị. Cũng không nên cho quá nhiều lạc, khi ăn sẽ dễ gây khó tiêu, đầy bụng và nước cốt chanh cũng không được quá nhiều.
Tuyệt chiêu để có món nộm măng chay thanh tịnh đầy ý nghĩa là phải pha chế và nêm nếm gia vị với tỷ lệ vừa phải, hết sức khéo léo.
Khi cảm thấy ngán thịt cá, nộm măng chay là thay thế tuyệt vời. Vào những hôm dìu dịu nắng, tâm trạng thư thái, nhẹ nhàng, được thưởng thức đĩa nộm măng tươi thanh tịnh không có dầu mỡ hay tôm thịt thì không gì bằng!
Bình luận (0)