Vua quan và dân chúng Chân Lạp đều căm thù nước Xiêm, muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của Xiêm, nhưng vì thế yếu, đành cam chịu.
Chính vua Chân Lạp bấy giờ là Chey Chetta II từng làm con tin ở Xiêm rồi mới về nước kế vị vua cha qua đời từ năm Mậu Ngọ (1618). Ông có tinh thần tự trọng, quyết tìm cách đưa đất nước sớm thoát khỏi vòng kiềm chế của Xiêm, bằng chứng là ông đã dời kinh đô từ Angkor đến Oudong cho xa biên giới nước Xiêm. Nay có người gợi ý kết thân với triều đình xứ Đàng Trong Đại Việt khá hùng mạnh, có thể làm đối trọng với nước Xiêm, nên rất mừng và cho thực hiện ngay, mặc dầu nhà vua đã có 2 vợ người Chân Lạp và người Lào.
Năm Canh Thân (1620), nhận lời cầu hôn của vua Chân Lạp, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái thứ hai là công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II. Có người ghi quận chúa Ngọc Vạn, lấy cớ lúc đó Nguyễn Phúc Nguyên chỉ là chúa, không phải vua. Nhưng nhiều tài liệu ghi công chúa vì khi Gia Long lên làm vua đã truy phong các chúa tiền triều là hoàng đế, nên con trai các vị gọi là hoàng tử, con gái gọi là công chúa (xem Đại Nam liệt truyện tiền biên).
Công chúa rất xinh đẹp, tính nết thuần hậu, lại cùng là tín đồ Phật giáo, nên được nhà vua sủng ái, phong làm hoàng hậu với tước hiệu cao quý là Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsamrey.
Sử hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv. Lúc về nhà chồng, công chúa được phép đem theo nhiều người Việt tới sinh sống ở kinh đô Oudong, có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều. Công chúa lại lập một xưởng dệt và nhiều nhà buôn gần kinh đô. (Theo Nguyễn Đình Đầu trong Địa chí Văn hóa TP.HCM, tập I trang 146, dẫn Moura trong Royaume du Cambodge, tập II, trang 57). Số người Việt này sinh cơ lập nghiệp và sinh đẻ ngày càng đông.
Năm 1665, trong một bức thư, giáo sĩ Chevreuil kể lại rằng ông tới Colombé (cách viết chữ Phnom Pênh thời đó) vào cuối năm, thấy ở đây đã có 2 làng Việt Nam bên kia sông, cộng số người được độ 500, mà người theo đạo Thiên Chúa chỉ có bốn hay năm chục mà thôi (Theo Nguyễn Đình Đầu trong Địa chí Văn hóa TP.HCM, sđd. Trang 144).
Năm 1623, chúa Nguyễn cử sang kinh đô Chân Lạp một phái đoàn, mang theo nhiều tặng phẩm và một quốc thư, ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Sài Gòn - Chợ Lớn ngày nay) và Kas Krobey (Bến Nghé - Sài Gòn ngày nay) để lập 2 trạm thu thuế thương chính. Sau khi tham khảo triều đình (và chắc là có sự vận động ngấm ngầm của công chúa Ngọc Vạn) vua Chey Chetta II chấp thuận yêu cầu của chúa Nguyễn.
Tuy không có tài liệu nào nói, nhưng cứ lý mà suy đoán, xung quanh các trạm thu thuế này còn có các gia đình viên chức, nhất là các đơn vị quân đội đi theo để bảo vệ an ninh và để sai phái, không tránh khỏi không đem theo vợ con. Đó cũng là cái cớ chính đáng để lưu dân người Việt được đưa vào định cư lập nghiệp rất sớm tại hai nơi này.
Như trên đã nói, vua Chân Lạp cầu thân với chúa Nguyễn là để tìm chỗ dựa, đặng đối đầu với người Xiêm. Vậy chúa Nguyễn có giúp gì cho vua Chân Lạp không?
Vấn đề này, sử ta và sử Chân Lạp không nói. Nhưng một giáo sĩ Thiên Chúa giáo đã từng nhiều năm ở xứ Đàng Trong là giáo sĩ người Ý Christopho Borri, lúc về nước có viết tập hồi ký, trong đó có đoạn nói về sự giúp đỡ của chúa Nguyễn đối với con rể của mình, như: "Chúa Nguyễn phải luôn tập lính và gửi những đạo quân đi giúp vua Cao Miên", "Chúa viện trợ cho vua (Cao Miên) cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm" (Theo Bonifacy dịch và chú thích bằng tiếng Pháp tác phẩm của Christopho Barri đăng trong BAVH năm 1931, số III-IV).
Nguồn tin khác do Henri Russier và M.L.Jean nói tới những trận đánh cụ thể như sau: "Tức giận việc Chân Lạp nhận viện trợ quân sự của Đàng Trong, cuối năm 1621 đầu năm 1622, vua Xiêm xua 2 đạo quân sang đánh Chân Lạp. Với vũ khí và binh sĩ được Đàng Trong chi viện, Chey Chetta II đích thân chỉ huy tướng sĩ tiêu diệt một đạo quân Xiêm ở Bâribaur, còn hoàng đệ Utey đẩy lui đạo quân thứ 2 của Xiêm ở Bantey Meas.
Năm sau, Xiêm tấn công Chân Lạp một lần nữa để trả thù. Nhưng cũng như lần trước, quân Xiêm bị tổn thất nặng nề và phải tháo chạy về nước".
Về số con của công chúa, mỗi người ghi một khác. Nhiều người ghi bà có 2 người con trai là Chau Ponhea To và Chau Ponhea Nu, mà không ghi bà có một con gái. Riêng Phan Văn Hoàng nói bà chỉ có một người con gái duy nhất. Còn Chau Ponhea To là con bà người Chân Lạp, Chau Ponhea Nu thì không nói con của bà nào.
(còn tiếp)
Bình luận (0)