Chiều 19.10, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh. Tới nay, có 49 người đang giữ các chức danh này (do Phó thủ tướng Lê Văn Thành từ trần - PV).
Về số người lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, theo Nghị quyết 96 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, những người đã có thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu bổ nhiệm trong năm 2023 sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
"Danh sách người lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phê chuẩn chính thức vào ngày 24.10, ngày thứ 2 của kỳ họp, trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Về lý do Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp mà không đợi đến sau phiên chất vấn để đại biểu có thêm cơ sở đánh giá cũng như thời gian nghiên cứu các báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, việc đánh giá được thực hiện suốt từ đầu nhiệm kỳ chứ không phải tới kỳ lấy phiếu tín nhiệm mới đánh giá.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp là rất bình thường", ông Nguyễn Tuấn Anh nói, cho biết đây là việc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Trả lời về các báo cáo, kê khai tài sản của người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm gửi tới các đại biểu Quốc hội theo quy định, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết tới thời điểm hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận đầy đủ các báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6. Các báo cáo theo quy định được gửi tới đại biểu Quốc hội 20 ngày trước kỳ họp để nghiên cứu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết trong quá trình nghiên cứu báo cáo, nếu có phản ánh của cử tri thì đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến.
"Hiện tại qua 2 kênh đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa nhận được thông tin gì phản ánh đối với người được lấy phiếu tín nhiệm", ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngoài thời gian nghiên cứu, tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ dành 1,5 ngày để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến về báo cáo và kê khai tài sản của người được lấy phiếu tín nhiệm.
"Các đại biểu Quốc hội sẽ có phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội và tiếp tục thảo luận, có ý kiến đối với các báo cáo, kê khai tài sản người lấy phiếu tín nhiệm", ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.
Việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6 dự kiến sẽ diễn ra ngay trong ngày khai mạc kỳ họp (23.10). Theo quy định tại Nghị quyết 96, Quốc hội sẽ lấy phiếu với 44 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Năm người không lấy phiếu tín nhiệm lần này gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Cả 5 nhân sự này được Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023, là năm lấy phiếu tín nhiệm nên không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Bình luận (0)