6 học sinh phải viết “giấy báo nợ”
Câu chuyện nhà trường bắt học sinh viết “giấy báo nợ” được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội trong vài ngày qua. Theo đó, do chưa đóng tiền gửi xe đạp điện trong năm học 2018 - 2019, em H.M.N (học sinh lớp 7C Trường THCS Hưng Tây, H.Hưng Nguyên, Nghệ An) bị nhà trường gọi lên viết “giấy báo nợ”. Trong “giấy báo nợ”, em H.M.N viết mình đang nợ nhà trường 162.000 đồng tiền gửi xe đạp điện và lý do nợ tiền là vì “bố mẹ không nạp”.
Dân mạng bày tỏ sự bức xúc đối với cách hành xử không phù hợp của nhà trường. “Không thể đem kiểu hành xử như đi đòi nợ thuê để áp cho các em học sinh được, làm vậy không phù hợp với môi trường giáo dục”, tài khoản An Hạ bình luận. “Sao nhà trường không làm việc với phụ huynh để giải quyết mà lại hành xử không khác gì chợ búa vậy?”, Facebooker Yên Chi thắc mắc.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, phụ huynh em N. cho biết, không phải gia đình không có 162.000 đồng để đóng tiền gửi xe cho con mà vì thấy đây là “khoản đóng góp vô lý”.
Theo phụ huynh này, học sinh đã đóng tiền xây dựng trường học, học phí từ đầu năm học, nhưng không thấy nhà trường sửa chữa nhà để xe. Phụ huynh này cũng cho hay, sau khi biết con mình và 5 học sinh khác cùng lớp bị nhà trường gọi lên để viết "giấy báo nợ" tiền gửi xe đạp điện vào cuối tháng 6 vừa qua, ông đã rất bất bình.
Theo ông, chuyện nợ tiền là chuyện giữa nhà trường với phụ huynh chưa thống nhất được khoản thu, bắt học sinh viết giấy nợ như ở ngoài xã hội là không phù hợp với môi trường giáo dục. Sau khi nghe con trai về nhà phản ánh, mẹ em N. lên trường nộp tiền thì được nhà trường trả lại "giấy báo nợ" nói trên.
|
“Cực chẳng đã mới phải làm!”
Ông Nguyễn Văn Quế, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Tây, thừa nhận có chuyện mời học sinh đang nợ tiền nhà trường lên viết "giấy báo nợ".
Theo ông Quế, có hơn 50 học sinh của trường đang nợ các khoản học phí, tiền gửi xe của năm học này và năm học trước. Đây là những khoản thu bắt buộc theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An. Dù nhà trường đã gửi thông báo nhiều lần tới các phụ huynh nhưng nhiều phụ huynh vẫn không đóng tiền. Đến cuối tháng 6 vừa qua, khi sắp kết thúc năm học, vẫn còn gần 30 học sinh chưa đóng các khoản tiền học phí, tiền dịch vụ trông giữ xe nên nhà trường đã gọi các em lên viết “giấy báo nợ”.
Ông Quế cũng cho rằng nhà trường chỉ mời các em viết “giấy báo nợ” chứ không bắt ép học sinh phải trả nợ. “Giấy báo nợ” giúp nhà trường tổng hợp để quản lý, theo dõi. Nhà trường đã báo cáo sự việc này lên xã, huyện và Phòng GD-ĐT.
“Số tiền này chúng tôi dùng để trả cho bảo vệ trông giữ xe và sửa sang lại nhà giữ xe cho học sinh. Việc mời các em viết “giấy báo nợ” cũng là cực chẳng đã vì không còn cách nào khác”, ông Quế nói. Lãnh đạo Trường THCS Hưng Tây cũng cho biết, năm học vừa qua, trường có 589 học sinh, dự kiến thu hơn 50 triệu đồng từ tiền dịch vụ trông giữ xe cho học sinh.
Theo quy định của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, năm học vừa qua, các trường học được phép thu 3 khoản tiền bắt buộc: học phí, dịch vụ trông giữ xe tại trường và tiền bảo hiểm y tế học sinh.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết phí gửi xe đạp trong nhà trường là khoản phí được phép thu. Qua tìm hiểu của Sở, sự việc xảy ra ở Trường THCS Hưng Tây là do một số phụ huynh chưa thực hiện nghĩa vụ nộp học phí và phí gửi xe đạp. Sở đã đề nghị nhà trường xem xét hoàn cảnh, điều kiện của những gia đình này, nếu gia đình học sinh quá khó khăn thì tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn khác.
Ông Hoàn cũng cho rằng việc nhà trường yêu cầu học sinh viết “giấy báo nợ” là thiếu tế nhị. Vì vậy, Sở cũng đã đề nghị nhà trường cần có cách xử lý khác phù hợp hơn với môi trường giáo dục.
Bình luận (0)