Chưa quy định 'rửa tiền' qua 'tiền ảo' trong luật Phòng chống rửa tiền

01/11/2022 06:30 GMT+7

Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ chưa quy định cụ thể hành vi rửa tiền qua tiền ảo trong dự luật Phòng chống rửa tiền. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định các hành vi rủi ro mới phát sinh ngoài hành vi trong luật.

Ngày 31.10, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự án luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Luật Phòng chống rửa tiền sẽ chưa quy định cụ thể hành vi rửa tiền qua tiền ảo, do tiền ảo chưa được công nhận chính thức tại Việt Nam

T.N

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, trước đó thảo luận tại tổ ngày 24.10 về luật Phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu lo ngại nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam rất lớn. Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo luận nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này.

Thực tế, nhiều người đã tham gia vào các hoạt động của các sàn tiền ảo. Vì thế, đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ để tạo hành lang pháp lý kiểm soát hành vi có thể lợi dụng thông qua rửa tiền để tài trợ khủng bố, chuyển đổi tiền thu được bằng các hoạt động bất hợp pháp thành tiền séc hoặc chuyển qua các tài khoản thông qua mua bán, trao đổi tiền ảo, nhất là các đối tượng có yếu tố nước ngoài.

Song, cũng có ý kiến cho rằng nếu đưa quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật Phòng chống rửa tiền, đồng nghĩa với việc thừa nhận các loại hình này trong khi chưa có khuôn khổ pháp lý.

Với những hành vi mới phát sinh, điều 16 dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành nghị định để xử lý vấn đề mới phát sinh.

Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải tình tiết tăng nặng như quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở quản trị, đánh giá mức độ cảnh báo có dấu hiệu liên quan tới hành vi rửa tiền qua mức độ giao dịch hoặc các giao dịch liên quan tới tiền ảo.

Giải trình vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, quá trình xây dựng luật để đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và đánh giá của Nhóm đánh giá châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền tại báo cáo đánh giá đa phương.

Cùng với nhu cầu quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức và đánh giá tính khả thi trong điều kiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này, đồng thời để đảm bảo quy định luật có tính bao quát các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền ngoài các hoạt động cụ thể được nêu trong luật.

Thế nào là giao dịch đáng ngờ?

Giải trình một số ý kiến khác về lượng hoá tối đa các mức độ rửa tiền, theo Ngân hàng Nhà nước, dự luật hiện đã lượng hoá tối đa các tiêu chí, gồm mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng; các giao dịch phải thực hiện nhận biết khách hàng với nhóm tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, mức giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, quốc tế phải báo cáo.

Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan tới kiểm soát khách hàng giao dịch không qua ngân hàng, bởi thực tế nhiều giao dịch dùng tiền mặt để trao đổi để tránh bị thu thuế (giao dịch mua nhà, mua bất động sản…), Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc kiểm soát thanh toán không dùng tiền mặt không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Phòng chống rửa tiền. Thay vào đó các giao dịch không dùng tiền mặt được rà soát, nghiên cứu, quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành như luật Kinh doanh bất động sản

Về giám sát giao dịch đặc biệt, quá trình thảo luận đại biểu Quốc hội đề nghị không chỉ các giao dịch có giá trị lớn, bất thường hoặc phức tạp, mà giao dịch số lượng nhiều, tần suất lớn trong thời gian ngắn, dù giá trị không lớn vẫn cần phải báo cáo về hoạt động rửa tiền.

Theo cơ quan soạn thảo, điều 20 của dự thảo luật chỉ đề cập tới giám sát đặc biệt một số giao dịch, trong đó có giao dịch giá trị lớn, phức tạp. Với giao dịch số lượng nhiều, hoặc với tần suất lớn trong thời gian ngắn, giá trị không cao thuộc một trong các dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại điều 28, tức là khi phát sinh, đối tượng báo cáo cần thu thập, phân tích thông tin thêm để xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.