Chùa Tam Thanh và nàng Tô Thị làm du lịch

27/10/2019 06:54 GMT+7

Tầng tầng lớp lớp giá trị di sản của di tích danh thắng Nhị Thanh, Tam Thanh, núi Tô Thị và Thành nhà Mạc là những điều được các nhà khoa học đưa ra trong hội thảo về tiềm năng du lịch của di tích này.

Động Tam Thanh và Nhị Thanh với bia ma nhai và tượng Phật đẹp hiếm có, biểu tượng nàng Tô Thị gắn với tục thờ đá, ẩm thực Tày Nùng và chợ thành phố đa sắc là những thế mạnh để Lạng Sơn làm du lịch.

Di sản đặc sắc

Tầng tầng lớp lớp giá trị di sản của di tích danh thắng Nhị Thanh, Tam Thanh, núi Tô Thị và Thành nhà Mạc là những điều được các nhà khoa học đưa ra trong hội thảo về tiềm năng du lịch của di tích này. Hội thảo do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH KHXH-NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND TP.Lạng Sơn tổ chức ngày 26.10, với 20 tham luận của các nhà nghiên cứu địa lý địa chất, lịch sử, Hán Nôm, du lịch, khảo cổ học.
Núi Tô Thị Ảnh: Phương Mai

Núi Tô Thị

Ảnh: Phương Mai

PGS-TS Vũ Văn Phái (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao giá trị của hang động Tam Thanh, Nhị Thanh. Theo ông, địa hình trên bề mặt của các hang động này rất đa dạng với hình thù kỳ dị đều là những thắng cảnh thẩm mỹ cho trí tưởng tượng của con người, nên đã được người dân chọn là nơi linh thiêng và để thờ các vị thần tiên theo truyền thống văn hóa tâm linh.
Ở VN có nhiều câu chuyện về hòn Vọng Phu và chắc chắn câu chuyện hòn Vọng Phu lưu truyền ở đất Lạng Sơn có ảnh hưởng đậm sâu và rộng khắp trong tâm thức người Việt
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)
TS Vũ Anh Tài (Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN) lại nhắc đến tài nguyên hệ sinh thái ở TP.Lạng Sơn với na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, đào Mẫu Sơn, quýt Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định và các loại gia vị như mắc mật… Các sản phẩm nông nghiệp này có thể được trồng và phát triển các tour du lịch nông trang, kết nối với du lịch ở cụm danh thắng Nhị Tam Thanh, Thành nhà Mạc.
TS Đỗ Thị Thùy Lan (Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao những dấu tích Thành nhà Mạc hiện nay. Hai đoạn tường thành tại P.Tam Thanh (TP.Lạng Sơn) hiện chạy song song, dài khoảng 300 m, có khoét các lỗ châu mai. “Giữa 2 vòng thành đá là khu đất trống rộng rãi và bằng phẳng, hai bên là những đỉnh núi hiểm trở có vai trò như những tường thành tự nhiên. Tòa thành là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía nam để Mạc Kính Cung ngăn chặn quân đội nhà Trịnh đánh lên. Đây là công trình nguyên vẹn nhất trong số các tòa thành của nhà Mạc còn lại tại các địa phương cho đến ngày nay”, TS Thùy Lan cho biết.
PGS-TS Phạm Thị Thùy Vinh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhắc tới những bia ma nhai (khắc chữ theo thế vách núi hoặc mài núi để viết) tại hang động Tam Thanh, Nhị Thanh. Đây là 2 động có phong cảnh đẹp nên thu hút nhiều danh nhân, kẻ sĩ đến thưởng ngoạn, đề thơ. “Hiện 2 động Nhị Thanh và Tam Thanh còn khá nhiều bia ma nhai, ước khoảng ba bốn chục tấm bia”, bà Vinh phân tích.
Thạc sĩ Vũ Thị Hằng (Bảo tàng Mỹ thuật VN) cho biết tuy tượng ma nhai không phát triển ở chùa hang VN nhưng tượng Phật ở chùa Tam Thanh lại rất đẹp. Thay vì bạt phẳng vách hang đá để tạo tượng, người thợ điêu khắc đã tận dụng độ nghiêng của vách đá tự nhiên từ vòm hang xuống để tạc tượng. Gương mặt đức Phật có hướng nhô hẳn ra phía trước nên khi có ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng đèn nến từ ngoài hắt vào thì gương mặt đức Phật bừng sáng mạnh hơn thân quang Phật.
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Ở VN có nhiều câu chuyện về hòn Vọng Phu và chắc chắn câu chuyện hòn Vọng Phu lưu truyền ở đất Lạng Sơn có ảnh hưởng đậm sâu và rộng khắp trong tâm thức người Việt”.

Công viên lịch sử văn hóa

TS Nguyễn Văn Anh (Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao ý tưởng quy hoạch tổng thể khu di tích, danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị và Thành nhà Mạc thành công viên lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, cần kết nối khu di tích danh thắng này với đền Tả Phủ - chợ Kỳ Lừa - hồ Phai Loạn. Theo đó, Nhị - Tam Thanh là vùng di tích, danh thắng với điểm nhấn là du lịch văn hóa tâm linh. Thành nhà Mạc và núi Tô Thị là vùng di tích lịch sử văn hóa và cảnh quan với những điểm "view" tốt, giúp du khách có thể quan sát cảnh quan xung quanh và chợ Kỳ Lừa với trung tâm thương mại, ẩm thực.
Ông Văn Anh cũng lưu ý việc cải tạo suối Ngọc Tuyền, động Nhị Thanh còn chưa khớp được phần xây mới và phần tự nhiên. Trong đó, tình trạng suối ô nhiễm, có mùi làm không khí của hang khó chịu. “Nguyên nhân chính là do nước thải sinh hoạt xả thẳng vào nguồn nước chảy vào suối Ngọc Tuyền”, ông Văn Anh cho biết.
Ở Tam Thanh, ông Văn Anh lưu ý việc xây dựng cung Sơn Trang với các nhũ đá giả và một số công trình khác phá vỡ cảnh quan và giá trị tự nhiên và lịch sử của động. Ông Văn Anh cho rằng cần thiết kế hệ thống giao thông, đường dạo để du khách có thể tiếp cận với tượng nàng Tô Thị. Việc tiếp cận không nên trực tiếp như hiện nay bởi núi Tô Thị và tượng nàng Tô Thị mang tính biểu trưng hơn tính hiện thực, việc tiếp cận quá gần như hiện nay làm mất tính biểu trưng của danh thắng.
TS Nguyễn Ngọc Minh (Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) lưu ý việc khai thác tài nguyên văn hóa của các cộng đồng người bản địa như Tày, Nùng, Dao để phát triển du lịch văn hóa tộc người. Như vậy, khi kết nối cụm di tích sẽ tạo thành khu vực đặc trưng của TP. Tài nguyên văn hóa này bao gồm cả trang phục, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.